1. Sau 3 cuộc bỏ phiếu, vẫn chưa có giáo hoàng nhưng các tín hữu vẫn không nản chí tiếp tục tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô
Các Hồng Y cử tri đã bỏ phiếu hai lần vào sáng Thứ Năm, 08 Tháng Năm, và trước buổi trưa theo giờ địa phương, lại có thêm khói đen.
Các cử tri của Hồng Y đoàn đã không bầu ra được một vị giáo hoàng trong cuộc bỏ phiếu duy nhất vào tối ngày Thứ Tư, 07 Tháng Năm. Các ngài đã trở lại Nhà nguyện Sistina để tham gia ngày thảo luận và bỏ phiếu thứ hai.
Khói đen được phát hiện từ ống khói của Nhà nguyện Sistina trước buổi trưa - sớm hơn một chút so với ước tính. Điều này có nghĩa là 133 Hồng Y cử tri đã không bầu ra được vị Tân Giáo Hoàng trong 2 cuộc bỏ phiếu thứ hai và thứ ba.
Cuộc bỏ phiếu thứ hai được tổ chức sớm hơn vào buổi sáng và chắc chắn chưa bầu ra được vị Tân Giáo Hoàng. Nếu bầu được, đã có khói trắng từ giữa buổi sáng.
Vì vậy, khói đen vào khoảng trưa ngày 8 tháng 5 có nghĩa là các Hồng Y cử tri đã không bầu ra được vị Tân Giáo Hoàng trong 2 cuộc bỏ phiếu thứ hai và thứ ba.
Các Hồng Y hiện có khoảng bốn giờ để ăn trưa và nghỉ ngơi tại dinh thự Santa Marta. Do đó, quá trình bỏ phiếu tiếp theo sẽ bắt đầu lại sau khoảng năm giờ.
Để được bầu làm giáo hoàng, một ứng cử viên phải nhận được ít nhất 89 phiếu bầu từ 133 Hồng Y cử tri.
Các Hồng Y sẽ bỏ phiếu thêm hai lần nữa vào buổi chiều. Các tín hữu vẫn tràn trề hy vọng có thể có khói trắng vào tối nay theo giờ Rôma. Đám đông vẫn tụ tập rất đông đảo tại quảng trường Thánh Phêrô. Tin tưởng phổ biến ở Rôma là có khả năng lớn là Hồng Y đoàn sẽ bầu ra một vị giáo hoàng vào hôm nay: cả Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 đều được bầu vào ngày thứ hai của Cơ Mật Viện Hồng Y.
Một số ký giả Ý thạo tin về các vấn đề liên quan đến Vatican cho rằng sẽ sớm có kết quả bầu Giáo Hoàng và có lẽ Đức Hồng Y Pietro sẽ được chọn.
Trong triều Giáo Hoàng của ngài, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tấn phong cho 163 Hồng Y từ 76 quốc gia, trong đó có 25 quốc gia chưa bao giờ có Hồng Y. Sự phân tán như vậy có những lợi ích, nhưng liên quan đến việc bầu tân Giáo Hoàng sẽ có trở ngại vì các Hồng Y không biết nhau. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng chủ yếu dựa vào nhóm Hồng Y cố vấn gồm 9 vị. Thành ra, Hồng Y Đoàn ít có dịp gặp gỡ nhau.
Trong bối cảnh không biết nhau như thế, có lẽ các Hồng Y sẽ bầu cho những vị mà các ngài biết rõ và có thể tin tưởng được, và vị đó có thể là Đức Hồng Y Pietro Parolin vì ai cũng biết ngài trong tư cách Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.
2. Khói đen tại Cơ Mật Viện, chưa có Giáo Hoàng sau 2 cuộc bỏ phiếu sáng thứ Năm
Lúc 11:50 sáng Thứ Năm, 08 Tháng Năm, tức là 4:50 chiều theo giờ Việt Nam, khói đen đã bốc lên từ ống khói trên đỉnh Nhà nguyện Sistina, báo hiệu rằng các Hồng Y đang trong Cơ Mật Viện vẫn chưa bầu ra được giáo hoàng mới để lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Rôma.
Hàng ngàn tín hữu tụ tập tại Quảng trường Thánh Phêrô chờ khói bốc lên từ ống khói trên mái nhà nguyện, và khói đã bốc lên ngay trước buổi trưa
133 vị Hồng Y dưới 80 tuổi đã bắt đầu tiến trình bầu bí mật và mang tính nghi lễ cao này vào thứ Tư, trong sự cô lập hoàn toàn khi các ngài chọn người kế nhiệm cố Đức Thánh Cha Phanxicô.
Họ đốt các lá phiếu và trộn chúng với hóa chất để cho biết tiến trình diễn ra như thế nào -- màu đen báo hiệu không có giáo hoàng và màu trắng báo hiệu có giáo hoàng mới.
Các Hồng Y đã tổ chức một cuộc bỏ phiếu ban đầu không có kết quả vào tối Thứ Tư, 07 Tháng Năm. Các ngài sẽ tổ chức thêm hai cuộc bỏ phiếu nữa vào chiều Thứ Năm, 08 Tháng Năm.
Các “hoàng tử của Giáo hội” đội mũ đỏ sẽ tiếp tục bỏ phiếu tới bốn lần một ngày cho đến khi có người giành được đa số hai phần ba.
Không có giáo hoàng nào trong thời hiện đại được bầu trong lần đầu tiên, vì vậy khói đen của ngày thứ Tư được dự đoán rộng rãi. Nhưng xét theo lịch sử gần đây, kết quả cuối cùng có thể có bắt đầu từ Thứ Năm, 08 Tháng Năm.
Hiện nay, tin tưởng phổ biến ở Rôma vẫn cho rằng sẽ có vị Tân Giáo Hoàng trong ngày Thứ Năm, 08 Tháng Năm. Vì thế, đông đảo các tín hữu vẫn tiếp tục tập trung tại quảng trường Thánh Phêrô.
Đức Phanxicô, giáo hoàng đầu tiên đến từ Mỹ Latinh, được bầu vào buổi tối ngày thứ hai của Cơ Mật Viện Hồng Y cuối cùng được tổ chức vào năm 2013, giống như người tiền nhiệm của ngài, Đức Bênêđíctô XVI, vào năm 2005.
3. Vị ẩn sĩ thánh thiện này đã bỏ trốn khi được chọn làm giáo hoàng
Sau khi một Giáo Hoàng được bầu, Chưởng Nghi Phụng Vụ của Giáo triều Rôma sẽ trở về Nhà nguyện Sistina và Đức Hồng Y Pietro Parolin sẽ hỏi vị được bầu: “Ngài có chấp nhận cuộc bầu cử theo giáo luật của mình làm Giáo Hoàng tối cao không?”
Giả sử vị Hồng Y nói “Tôi chấp nhận”, vị niên trưởng sẽ hỏi: “Ngài muốn được gọi bằng tên gì?”
Đương nhiên, nếu chính Đức Hồng Y Pietro Parolin là người được bầu, thì Hồng Y Đoàn phải chọn một vị khác, có thể là Đức Hồng Y Nhiếp Chính Kevin Farrell để hỏi Đức Hồng Y Parolin.
Câu hỏi được đặt ra là có khi nào vị được hỏi trả lời rằng “Không, tôi không chấp nhận”. Trong lịch sử điều đó đã xảy ra.
Đức Giáo Hoàng Celestinô Đệ Ngũ đã không muốn trở thành giáo hoàng và đã thực sự bỏ chạy khi được chọn làm người kế nhiệm Thánh Phêrô.
Trước khi được chọn làm giáo hoàng tiếp theo, Pietro de Morone yêu thích sự cô độc. Bách khoa toàn thư Công Giáo giải thích cách ngài lần đầu tiên trở thành ẩn sĩ:
Ngài xuất thân từ gia đình bình dân, trở thành một tu sĩ dòng Bênêđíctô ở tuổi 17, và cuối cùng được thụ phong linh mục tại Rôma. Tình yêu cô độc đã dẫn ngài đến vùng hoang dã Monte Morone ở Abruzzi và sau đó đến những nơi hẻo lánh hơn của Núi Majella. Ngài lấy hình mẫu của mình là Thánh Gioan Tẩy Giả. Một sợi xích sắt bao quanh thân hình gầy gò của ngài; ngài ăn chay mỗi ngày trừ Chúa Nhật; mỗi năm ngài giữ bốn Mùa Chay tịnh, trong đó có ba chỉ ăn bánh mì và nước.
Trong khi ngài tìm kiếm sự tĩnh lặng, nhiều người đàn ông khác bị thu hút bởi lối sống của ngài và tụ tập quanh ngài.
Khi giáo hoàng thời của ngài qua đời, Hồng Y Đoàn đã gặp khó khăn trong việc lựa chọn người kế nhiệm. Tin tức về việc Giáo hội vẫn chưa có giáo hoàng đã đến tai Pietro. Ngài đã viết một lá thư cho các Hồng Y, cầu xin các Hồng Y bầu một người nổi tiếng khôn ngoan và thánh thiện.
Để đáp lại, các Hồng Y quyết định bầu chính Pietro, dựa trên danh tiếng của ngài và bức thư ngài đã gửi.
Khi các Hồng Y hỏi Pietro, ngài bỏ chạy vì không muốn gánh vác trách nhiệm làm Giáo hoàng tối cao.
Ngài thích cuộc sống ẩn dật và thấy rằng một vai trò quan trọng như vậy trong Giáo hội là quá sức đối với ngài.
Các Hồng Y đã lần ra dấu vết của ngài và cuối cùng ngài đã nhượng bộ, nhận vương miện giáo hoàng và chọn danh hiệu là Đức Giáo Hoàng Celestinô Đệ Ngũ.
Tuy nhiên, triều Giáo Hoàng của ngài kéo dài không lâu vì trái tim ngài khao khát được ở trong sự cô độc. Chỉ sau năm tháng, ngài trở thành giáo hoàng đầu tiên từ chức
Đây là vị giáo hoàng mà nhiều người coi là người mở đường cho Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 trong thời đại của chúng ta, nhiều thế kỷ sau đó.
Đức Giáo Hoàng Celestinô Đệ Ngũ sau đó được phong thánh, và tấm gương của ngài nhắc nhở tất cả chúng ta về sức nặng to lớn của chức giáo hoàng và gánh nặng mà Đức Giáo Hoàng phải gánh vác mỗi ngày. Nó cũng nhắc nhở rằng mỗi vị thánh đều có những ân sủng, tài năng và khả năng riêng, và một người rất thánh thiện đến mức trở thành một vị thánh có thể không đủ khả năng để trở thành giáo hoàng.
Vì thế, khác với chính trị thế tục, bất kể vị Giáo Hoàng được chọn là ai, ta hãy vâng phục và cầu nguyện cho ngài.
4. Lịch trình của Cơ Mật Viện, ngày 8 tháng 5
Matteo Bruni, giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa thánh, đã công bố lịch trình sau đây cho Cơ Mật Viện vào thứ năm, ngày 8 tháng 5, ngày thứ hai của Cơ Mật Viện:
7h45 (giờ Rôma): khởi hành từ nhà trọ Santa Marta đến Dinh Tông Tòa
8:15: Thánh lễ và Kinh Sáng tại Nhà nguyện Pauline
9:15: Tập trung tại Nhà nguyện Sistina
10:30 sáng: kết thúc cuộc bỏ phiếu thứ hai (cuộc bỏ phiếu đầu tiên diễn ra vào ngày 7 tháng 5)
12:00 trưa: kết thúc cuộc bỏ phiếu thứ ba
12:30: Đi ăn trưa tại nhà trọ Thánh Marta
3:45: trở về Điện Tông Tòa
4:30: tiếp tục bỏ phiếu
5:30: Kết thúc vòng bỏ phiếu thứ tư
7:00: Kết thúc vòng bỏ phiếu thứ năm và Kinh Chiều, Nhà nguyện Sistina
7:30: trở về nhà trọ Thánh Marta
Trong các Cơ Mật Viện gần đây nhất:
Năm 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã được bầu vào ngày thứ hai, trong cuộc bỏ phiếu thứ năm.
Năm 2005, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 được bầu vào ngày thứ hai, trong cuộc bỏ phiếu thứ tư.
Vào tháng 10 năm 1978, Đức Giáo Hoàng Thánh Gioan Phaolô II đã được bầu vào ngày thứ ba, trong cuộc bỏ phiếu thứ tám.
Vào tháng 8 năm 1978, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I đã được bầu vào ngày thứ hai, trong cuộc bỏ phiếu thứ tư.
Năm 1963, Đức Giáo Hoàng Thánh Phaolô VI đã được bầu vào ngày thứ ba, trong cuộc bỏ phiếu thứ sáu.
Năm 1958, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã được bầu vào ngày thứ tư, trong cuộc bỏ phiếu thứ mười một.
5. Âu Châu có nhiều Hồng Y hơn mức công bằng
Lục địa Cũ có số lượng đại diện quá đông đảo trong Hồng Y Đoàn đang họp để bầu ra giáo hoàng tiếp theo của họ — bất chấp những nỗ lực đa dạng hóa của Đức Cố Giáo Hoàng Phanxicô.
Trong số 133 Hồng Y tập trung tại Nhà nguyện Sistina để tham dự Cơ Mật Viện, 52 vị (khoảng 40 phần trăm) là các Hồng Y từ Âu Châu.
Sự lựa chọn người kế nhiệm của các ngài sẽ định hình hướng đi cho một giáo hội đang chia rẽ giữa các thế lực phi chính thống và truyền thống, đưa ra một nhà lãnh đạo tôn giáo mới cho 1,4 tỷ người Công Giáo trên toàn thế giới. Nhưng phần lớn các tín hữu Công Giáo ngày nay không phải là người Âu Châu.
Đức Thánh Cha Phanxicô, vị giáo hoàng đầu tiên không phải người Âu Châu sau hơn một thiên niên kỷ, đã có một số bước tiến nhằm trao cho Nam bán cầu trọng lượng hơn.
Cơ Mật Viện sẽ trông còn ít mang tính Âu Châu hơn nếu diễn ra vào năm sau, vì một số Hồng Y Âu Châu sắp hết tuổi bỏ phiếu. Độ tuổi giới hạn để bầu một giáo hoàng mới là 80, và chín trong số 52 Hồng Y bỏ phiếu của Âu Châu đã 79.
Nhưng trong khi các cuộc tấn phong Hồng Y của Đức Thánh Cha Phanxicô báo hiệu một sự thay đổi, chúng không đánh dấu một cuộc cách mạng: Phần lớn các Hồng Y được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm trong Cơ Mật Viện vẫn là người Âu Châu. Nhóm Hồng Y bỏ phiếu lớn nhất, 17 người trong số các vị, là người Ý; Hoa Kỳ đứng thứ hai, với 10 Hồng Y, theo số liệu của báo cáo của Hồng Y Đoàn.
6. Tường trình ngày đầu tiên trong Cơ Mật Viện
Ngày đầu tiên trong Cơ Mật Viện đã bắt đầu với thánh lễ Pro Eligendo Pontifice, nghĩa là “để bầu Giáo Hoàng”, diễn ra vào lúc 10 giờ sáng tại Đền Thờ Thánh Phêrô. Đức Hồng Y Giovanni Battista Re, Niên trưởng Hồng Y Đoàn đã chủ sự thánh lễ cùng với tất cả các Hồng Y cử tri. Trong bài giảng thánh lễ, ngài kêu gọi sự hiệp nhất trong Giáo Hội và cầu nguyện rằng Chúa Thánh Thần, Đấng trong một trăm năm qua đã ban cho chúng ta một loạt các Giáo hoàng thực sự thánh thiện và vĩ đại, sẽ ban cho chúng ta một Giáo hoàng mới theo lòng Chúa vì lợi ích của Giáo hội và nhân loại.
Ban chiều, các Hồng Y cử tri đã tập trung tại Nhà nguyện Pauline tại Điện Tông tòa lúc 4:30 chiều giờ Rôma và long trọng đi rước vào Cơ Mật Viện được tổ chức tại nhà nguyện Sistina. Các Hồng Y, theo thứ tự cấp bậc, diễn hành một đoạn ngắn vào Nhà nguyện Sistina trong tiếng hát Kinh cầu các thánh, tiếp theo là lời cầu nguyện, bao gồm lời cầu nguyện xin Chúa “ban cho Giáo hội của Người một giáo hoàng làm Người hài lòng với sự thánh thiện của cuộc đời mình” và “rằng Người đổ tràn sức mạnh của Thánh Thần của Người vào Cơ Mật Viện này”.
Bên trong Nhà nguyện Sistina, mỗi Hồng Y cử tri đứng trước chỗ ngồi được chỉ định của mình, quay mặt về phía Sách Phúc Âm, đặt trên bục giảng ở giữa phòng.
Thông thường, niên trưởng Hồng Y Đoàn là người chủ trì các cuộc họp bên trong Cơ Mật Viện, và ngài phải bảo đảm rằng mỗi Hồng Y sẽ đặt tay lên Phúc âm và tuyên thệ trung thành với các quy tắc của Cơ Mật Viện.
Đức Hồng Y Giovanni Battista Re, Niên trưởng Hồng Y Đoàn, đã 91 tuổi không còn quyền bầu Giáo Hoàng nên người chủ trì các cuộc họp bên trong Cơ Mật Viện lần này là Đức Hồng Y Pietro Parolin, nguyên Quốc vụ khanh trong triều Giáo Hoàng của Đức Phanxicô, và là Hồng Y trưởng đẳng Giám Mục.
Mở đầu các nghi thức, Đức Hồng Y Pietro Parolin đã đọc kinh “Veni, Creator Spiritus” nghĩa là “Xin ngự đến, lạy Thánh Thần sáng tạo”
Xin ngự đến, lạy Thánh Thần sáng tạo,
Đến viếng thăm và tuôn đổ ơn trời
Xuống cõi lòng và tâm trí bề tôi
Là sản phẩm do tay Ngài mà có.
Tôn hiệu Chúa chính là Người Bảo Trợ,
Là món quà của Thiên Chúa tối cao,
Là lửa thiêng, tình mến, suối dạt dào,
Ấn Thiên Chúa đóng vào hồn tín hữu.
Là nguồn mạch bảy hồng ân kỳ diệu,
Là ngón tay thần diệu Chúa thiên đàng,
Và chính là ơn Cha hứa tặng ban
Cho tín hữu nói năng thật lợi khẩu
Xin chiếu sáng hầu mở mang trí não,
Đổ tình thương cho tràn ngập tâm hồn
Thân yếu hèn giòn mỏng của chúng con
Luôn trông đợi sức thiêng Ngài bồi dưỡng.
Xin xua đuổi địch thù cho khuất dạng
Chúng con liền vui hưởng phúc bình an.
Được Ngài thương hằng chỉ lối mở đàng,
Là tránh khỏi muôn lỗi lầm nguy hại.
Xin Ngài dạy cho biết Cha từ ái,
Cùng am tường về Thánh Tử khoan nhân.
Và hằng tin : Ngài là chính Thánh Thần
Nguồn thương mến giữa Hai Ngôi bền chặt.
Sau đó, với tư cách là người chủ trì nghi lễ, đã cầu nguyện: “Lạy Cha, Đấng hướng dẫn và bảo vệ Giáo hội của Cha, xin ban cho các tôi tớ Cha Thần trí tuệ, chân lý, bình an, để họ có thể nỗ lực hiểu biết ý muốn của Cha và phục vụ Cha với sự tận tụy hoàn toàn. Nhờ Chúa Kitô, Chúa chúng con. Amen.”
Một phút mặc niệm trước khi Đức Hồng Y Parolin đọc lời tuyên thệ mà mỗi Hồng Y phải thực hiện: “Chúng tôi hứa, bắt buộc và tuyên thệ rằng chúng tôi sẽ trung thành và cẩn thận tuân thủ mọi quy định có trong tông hiến của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị, Universi Dominus Gregis… Tương tự như vậy, chúng tôi hứa, bắt buộc và tuyên thệ rằng bất kỳ ai trong chúng tôi, theo sự sắp đặt của Chúa, được bầu làm giáo hoàng Rôma, sẽ cam kết thực hiện trung thành “munus Petrinum” – sứ vụ Phêrô - của mục tử toàn thể Hội Thánh và sẽ không thất bại trong việc khẳng định và bảo vệ mạnh mẽ các quyền và tự do về tinh thần và thế tục của Tòa thánh. Trên hết, chúng tôi hứa và tuyên thệ sẽ nghiêm cẩn gìn giữ với sự trung thành cao nhất và với tất cả mọi người, cả giáo sĩ và giáo dân, bí mật về mọi thứ theo bất kỳ cách nào liên quan đến cuộc bầu cử giáo hoàng Rôma và về những gì diễn ra tại nơi bầu cử, liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến cuộc bỏ phiếu; không vi phạm theo bất kỳ cách nào bí mật này trong hoặc sau cuộc bầu cử giáo hoàng mới, trừ khi đã được cấp phép rõ ràng bởi chính Đức Giáo Hoàng; không bao giờ hỗ trợ hoặc ưu ái bất kỳ sự can thiệp, phản đối hoặc bất kỳ hình thức can thiệp nào khác mà chính quyền thế tục ở bất kỳ cấp bậc và mức độ nào, hoặc bất kỳ nhóm người hoặc cá nhân nào muốn can thiệp vào cuộc bầu cử giáo hoàng Rôma.”
Sau đó, mỗi vị trong số 133 vị Hồng Y đã lần lượt bước lên bục giảng và đặt tay lên Sách Phúc Âm và nói: “Xin Chúa và những Sách Phúc Âm thánh thiện, mà con chạm tay vào, giúp con”.
Sau đó Đức Tổng Giám Mục Ravelli, Chưởng Nghi Phụng Vụ của Giáo triều Rôma, tức là vị phụ trách nghi lễ của Đức Giáo Hoàng, tuyên bố “extra omnes”, tất cả các trợ lý, ca đoàn và nhân viên phục vụ rời khỏi phòng và chương trình phát trực tiếp tắt đi.
Với lời tuyên bố “extra omnes” (“tất cả ra ngoài”) vào chiều ngày 7 tháng 5, những cánh cửa gỗ dày của Nhà nguyện Sistina đã được đóng lại và được lính gác Thụy Sĩ canh gác ở mọi lối vào trong khi 133 Hồng Y cử tri bắt đầu công việc trọng đại là bầu giáo hoàng mới và lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ.
Ngồi thành những dãy bàn dưới ánh nhìn chăm chú vào bức tranh Ngày Phán xét cuối cùng đầy sức mạnh của Michelangelo, trước các cuộc thảo luận và cuộc bỏ phiếu đầu tiên, các Hồng Y cử tri đã lắng nghe bài suy niệm của Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, 90 tuổi, cựu giảng thuyết viên của phủ Giáo Hoàng trong 44 năm.
Theo nghi thức của Cơ Mật Viện, Đức Hồng Y Cantalamessa — được Hồng Y đoàn bầu vào tuần trước — đã thuyết giảng cho các Hồng Y cử tri về bản chất rất nghiêm trọng liên quan đến nhiệm vụ của các ngài và sự cần thiết phải hành động với ý định đúng đắn, cố gắng hết sức để thực hiện thánh ý Chúa và mong muốn điều tốt đẹp cho toàn thể Giáo hội, trong nhiệm vụ bầu ra Giáo hoàng Rôma tiếp theo.
Sau đó, Đức Hồng Y Cantalamessa và Tổng giám mục Diego Ravelli, phụ trách nghi lễ của giáo hoàng, đã là hai người cuối cùng rời khỏi Nhà nguyện Sistina trước khi cuộc bỏ phiếu bắt đầu. Cảnh tượng đầu tiên của khói từ ống khói Nhà nguyện Sistina đã xuất hiện vào buổi tối theo giờ Rôma, và như chúng tôi dự đoán, đó là khói đen, nghĩa là chưa bầu được Giáo Hoàng mới.
Phiên họp đã kết thúc bằng lời cầu nguyện cùng Đức Mẹ, hát bài “Sub tuum praesidium,” là bài thánh ca về Đức Mẹ lâu đời nhất của Giáo hội. Người Công Giáo Việt Nam gọi kinh Sub tuum praesidium là Kinh Trông Cậy.
Chúng con trông cậy rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời xin chớ chê chớ bỏ lời chúng con nguyện trong cơn gian nan thiếu thốn, Đức Nữ đồng trinh, hiển vinh sáng láng.
7. Chúng ta có thể biết kết quả bầu Giáo Hoàng vào lúc mấy giờ?
Sau đây là thời gian mà mọi người có thể nhìn thấy những đám khói bốc lên từ những ống khói nổi tiếng nhất thế giới.
Cơ Mật Viện bầu người kế nhiệm Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chính thức khai mạc vào ngày 7 tháng 5, và các Hồng Y cử tri của Hồng Y đoàn dự kiến sẽ bỏ phiếu một lần vào ngày đầu tiên đó. Tuy nhiên, trong lịch sử cận đại chưa lần nào cuộc bỏ phiếu đầu tiên này bầu ra được một vị Giáo Hoàng. Ngoài ra, không thể loại trừ khả năng là Hồng Y Đoàn quyết định không bỏ phiếu vào ngày 7 Tháng Năm. Vì thế, có lẽ không nên kỳ vọng quá nhiều rằng chúng ta sẽ có một vị Tân Giáo Hoàng ngày thứ Tư 7 Tháng Năm.
Từ ngày 8 tháng 5 trở đi, các Hồng Y cử tri sẽ bỏ phiếu hai lần vào buổi sáng và hai lần vào buổi chiều cho đến khi một vị Tân Giáo Hoàng mới được bầu.
Hai trong số 135 Hồng Y cử tri không đến được vì lý do sức khỏe nên có 133 Hồng Y cử tri. Và do đó, vị Tân Giáo Hoàng cần phải nhận được ít nhất là 89 phiếu.
Theo Vatican News, nếu không có vị Tân Giáo Hoàng mới sau ba ngày bỏ phiếu, các Hồng Y sẽ được nghỉ ít nhất một ngày để cầu nguyện, thảo luận về cuộc bầu cử với các Hồng Y khác. Các ngài sẽ nghe một bài chia sẻ từ Đức Hồng Y Dominique Mamberti, là Hồng Y trưởng đẳng Phó tế.
Nhưng điều này sẽ xảy ra vào lúc mấy giờ?
Mỗi Cơ Mật Viện đều khác nhau và với 133 vị tham gia bầu cử, đông nhất từ trước đến nay, cuộc bỏ phiếu có thể sẽ không diễn ra nhanh chóng.
Tuy nhiên, dựa trên các Cơ Mật Viện trước đây, sau đây là thời điểm người ta có thể thấy khói bốc lên từ ống khói của Nhà nguyện Sistina. Xin lưu ý với quý vị và anh chị em tất cả đều chỉ là thời gian gần đúng. Như chúng tôi nói ở trên, mỗi buổi có 2 cuộc bỏ phiếu. Nếu cuộc bỏ phiếu thứ nhất bầu được Giáo Hoàng, các phiếu bầu sẽ được đốt ngay lập tức. Nếu cuộc bỏ phiếu thứ nhất KHÔNG bầu được Giáo Hoàng, các phiếu bầu KHÔNG được đốt nhưng sẽ chờ đốt chung với các phiếu bầu của cuộc bỏ phiếu thứ hai.
Thời điểm thứ nhất: 10:30 sáng giờ địa phương Rôma, tức là 3:30 chiều giờ Việt Nam; 6:30 chiều giờ Sydney, Melbourne; và 1:30 sáng giờ California. Nếu điều này xảy ra, chúng ta có vị Tân Giáo Hoàng.
Thời điểm thứ hai: Vào giữa trưa theo giờ địa phương Rôma, tức là 5 giờ chiều giờ Việt Nam; 8 giờ tối giờ Sydney, Melbourne; và 3 giờ sáng giờ California. Nếu điều này xảy ra, chúng ta có thể có vị Tân Giáo Hoàng, cũng có thể là không.
Thời điểm thứ ba: 5 giờ chiều giờ địa phương Rôma, hay 10 giờ tối giờ Việt Nam; 1 giờ sáng giờ Sydney, Melbourne; và 8 giờ sáng giờ California. Nếu điều này xảy ra, chúng ta có vị Tân Giáo Hoàng.
Thời điểm thứ tư: Vào 7 giờ tối theo giờ địa phương Rôma, tức là 12 giờ khuya giờ Việt Nam; 3 giờ sáng giờ Sydney, Melbourne; và 10 giờ sáng giờ California. Nếu điều này xảy ra, chúng ta có thể có vị Tân Giáo Hoàng, cũng có thể là không.
Việc bỏ phiếu diễn ra như thế nào?
Sau khi kiểm phiếu xong, phiếu bầu sẽ được đốt để thông báo kết quả bầu cử đến toàn thế giới.
Nếu khói có màu đen thì sẽ không có Đức Giáo Hoàng mới và các Hồng Y sẽ bỏ phiếu lại sau vài giờ hoặc vào sáng hôm sau.
Nhưng nếu khói có màu trắng, hãy hủy bỏ kế hoạch của bạn và ngồi xuống trước chiếc tivi gần nhất hoặc kênh phát trực tiếp và nín thở chờ đợi để xem ai là Người kế vị mới của Thánh Phêrô.
Khoảng nửa giờ đến một giờ sau khi khói trắng xuất hiện, Đức Hồng Y Dominique Mamberti, là Hồng Y trưởng đẳng Phó tế, sẽ công bố “Habemus Papam” (Chúng ta đã có Đức Giáo Hoàng!), và Đức Giáo Hoàng mới sẽ ban phước lành đầu tiên từ ban công của Đền thờ Thánh Phêrô.