1. Ngày nào có Tân Giáo Hoàng?
Thứ tư, ngày 7 tháng 5, sẽ đánh dấu sự khởi đầu của Cơ Mật Viện bầu Giáo Hoàng mới cho Giáo Hội Công Giáo. Nếu các Hồng Y đồng ý nhanh như các ngài đã làm trong Cơ Mật Viện năm 2005 và 2013, Giáo hội sẽ có một Đức Giáo Hoàng vào ngày Thứ Năm, 08 Tháng Năm.
Cảnh sát Ý phối hợp với hiến binh Vatican đang chuẩn bị các rào chắn và điều động các lực lượng an ninh khi hàng trăm ngàn người đổ xô về quảng trường Thánh Phêrô để trông chờ kết quả bầu Giáo Hoàng. Theo tờ Corriere della Sera, trong những ngày này nếu bạn hỏi một người nào đó trên đường phố Rôma ngày nào có vị Tân Giáo Hoàng, họ sẽ trả lời Thứ Năm, 08 Tháng Năm. Chỉ có một câu trả lời duy nhất, mặc dù đã có những cảnh báo rằng Cơ Mật Viện lần này có thể sẽ kéo dài hơn hai Cơ Mật Viện trước đó.
Cho đến nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tấn phong cho 163 Hồng Y từ 76 quốc gia, trong đó có 25 quốc gia chưa bao giờ có Hồng Y. Sự phân tán như vậy có những lợi ích, nhưng liên quan đến việc bầu tân Giáo Hoàng sẽ có trở ngại vì các Hồng Y không biết nhau. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng chủ yếu dựa vào nhóm Hồng Y cố vấn gồm 9 vị. Thành ra, Hồng Y Đoàn ít có dịp gặp gỡ nhau.
Việc công khai vận động tranh cử—hoặc thậm chí thảo luận—về người kế nhiệm Giáo Hoàng khi ngài vẫn còn sống là điều bị nghiêm cấm đối với các Hồng Y. Mặc dù các Hồng Y có thể thảo luận riêng về các ứng cử viên trước Cơ Mật Viện, nhưng việc vận động tranh cử công khai bị phản đối. Thay vào đó, một số Hồng Y có ước muốn trở thành Giáo Hoàng sẽ vận động tranh cử một cách bí mật, thường là bằng cách đi thăm các Hồng Y khác hoặc thuyết trình. Tất cả các phương thức ấy đều rất tốn kém và mất thời gian trong bối cảnh phân tán địa lý của Hồng Y đoàn.
Thành ra, nhiều người cho rằng Cơ Mật Viện lần này có thể sẽ kéo dài hơn hai Cơ Mật Viện trước đó. Dù vậy, nhiều người vẫn kỳ vọng vào ngày Thứ Năm, 08 Tháng Năm. Cũng có các phương tiện truyền thông Ý đề xuất một khoảng thời gian an toàn hơn là trước hay trễ lắm ngày Thứ Bẩy, 10 Tháng Năm.
2. Các Hồng Y cử tri có nhất thiết bầu cho một vị đang có mặt trong nhà nguyện Sistina hay không?
Trong các Cơ Mật Viện gần đây, các Hồng Y cử tri thường chỉ bầu cho một vị đang có mặt trong nhà nguyện Sistina. Tuy nhiên, giáo luật quy định rằng người được bầu là bất cứ người Công Giáo nào đã được rửa tội. Đó là yêu cầu duy nhất.
Trong lịch sử điều đó đã xảy ra đối với trường hợp Thánh Giáo Hoàng Fabianô. Khi được bầu làm Giáo Hoàng vào thế kỷ thứ 3, ngài không phải là Hồng Y, không phải là giám mục, thậm chí không phải là linh mục. Ngài chỉ là một người nông dân bình thường tình cờ có mặt trong đám đông đến theo dõi cuộc bầu cử vị Tân Giáo Hoàng.
Câu chuyện được Eusebius kể lại trong cuốn Lịch sử Giáo hội.
Sau cái chết của Đức Giáo Hoàng Anteros, người nông dân bình thường Fabianô đã đến Rôma để tham dự lễ tang của vị Giáo Hoàng quá cố. Khi tất cả các anh em đã tập hợp lại để lựa chọn bằng cách bỏ phiếu người sẽ kế nhiệm sứ vụ Phêrô, một số người đàn ông nổi tiếng và đáng kính đã ở trong tâm trí của nhiều người. Fabianô, mặc dù có mặt, không có trong tâm trí của bất kỳ ai.
Lý do duy nhất khiến ông được chọn làm Đức Giáo Hoàng là vì một con chim bồ câu đã đáp xuống Fabianô:
Họ kể rằng đột nhiên một con chim bồ câu bay xuống đậu trên đầu ngài, giống như Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Đấng Cứu Thế dưới hình dạng một con chim bồ câu. Sau đó, toàn thể dân chúng, như thể được thúc đẩy bởi Chúa Thánh Thần, với tất cả sự háo hức, đã đồng thanh kêu lên rằng ngài xứng đáng, và không chậm trễ, họ đã đón ngài và đặt ngài lên ghế Giáo Hoàng.
Fabianô đã lãnh nhận bí tích Truyền chức thánh và nhanh chóng được nâng lên hàng Đức Giáo Hoàng.
Đây chắc chắn là một chuỗi sự kiện kỳ lạ, nhưng vào thời điểm đó, mọi người đều coi đó là sự can thiệp kỳ diệu.
Fabianoo đã chứng tỏ mình là một vị Giáo Hoàng xứng đáng và đã chết như một vị tử đạo vào khoảng năm 250.
Kiểu đồng thanh tung hô này khó có thể xảy ra trong thời đại hiện đại, vì Cơ Mật Viện bầu Đức Giáo Hoàng tiếp theo được tiến hành hoàn toàn bí mật và sau cánh cửa đóng kín.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Chúa Thánh Thần sẽ bị loại khỏi tiến trình này. Chúa vẫn có thể hướng dẫn trái tim và khối óc của các Hồng Y để chọn người mà Người muốn ngồi vào ghế của Thánh Phêrô.
Source:Aleteia
3. Gặp gỡ Hồng Y Péter Erdő, ứng viên Giáo Hoàng sáng giá
Tờ Pillar có bài tường trình nhan đề “Meet the conclave: Cardinal Péter Erdő” nghĩa là “Gặp gỡ Cơ Mật Viện: Đức Hồng Y Péter Erdő”.
Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Khi cậu Péter Erdő lớn lên ở Budapest vào những năm 1950, Công Giáo hầu như không được chế độ cộng sản Hung Gia Lợi chấp nhận. Nhưng bất chấp sự ngăn cản chính thức, gia đình Erdő vẫn cầu nguyện ở nhà và cùng nhau đi nhà thờ. Cha cậu đã dạy giáo lý cho sáu người con của gia đình.
Sau đó, Erdő nhận ra rằng cha cậu, một luật gia, và mẹ cậu, một giáo viên, không được phép hành nghề vì họ bị coi là quá sùng đạo.
Cha mẹ của cậu thuộc về một cộng đồng các gia đình Công Giáo do một linh mục tên là Cha Imre Mihalik lãnh đạo, một học giả tài năng nhưng con đường sự nghiệp học vấn của vị linh mục đã bị chính quyền ngăn cản. Cha mẹ của Erdő đã giúp đỡ vị linh mục, người sống trong một căn nhà cho thuê, bằng cách gửi cậu con trai bảy tuổi của họ đến học tiếng Pháp với ngài. Ở trường, cậu bé cũng học tiếng Nga và tiếng Latinh. Sau đó, cậu học thêm tiếng Đức và tiếng Anh, cũng như phát triển trình độ thành thạo tiếng Tây Ban Nha và tiếng Ý.
Với nền tảng đa ngôn ngữ này, thầy Erdő được thụ phong linh mục vào năm 1975 tại Budapest và được yêu cầu lãnh đạo một giáo xứ ở Dorog, một thành phố phía tây bắc Budapest. Người tiền nhiệm của ngài trong giáo xứ đã bị bắt đi lính. Nhiệm vụ của cha Erdő bao gồm tiếp quản các lớp học tôn giáo của vị linh mục tiền nhiệm. Các lớp học không được phép diễn ra trong nhà xứ, chỉ được phép diễn ra trong phòng thánh của nhà thờ: một căn phòng lạnh lẽo chỉ được sưởi ấm bằng một chiếc bếp lò phủ một lớp muội than lên mọi thứ.
“Vào một buổi chiều mưa, có lẽ chính xác là do trời mưa, chỉ có ba đứa trẻ đến lớp,” cha Erdő nhớ lại. “Đột nhiên, một thanh tra của hội đồng thành phố xuất hiện. 'Tất cả các em đều thế à?' ông hỏi. Ông vội vàng tạm biệt. Ông gần như thương hại tôi. 'Cậu ta hầu như không gây nguy hiểm cho trật tự công cộng,' có lẽ ông ấy tự nhủ như vậy.”
Sau khi lấy bằng tiến sĩ thần học, Cha Erdő học tiến sĩ luật giáo luật tại Institutum Utriusque Iuris của Đại học Giáo Hoàng Latêranô ở Rôma. Trong những năm 1980 và 1990, ngài là giáo sư thần học và giáo luật tại Hung Gia Lợi, và là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Giáo Hoàng Grêgôriô.
Vào cuối năm 1999, khi mới 47 tuổi, ngài được bổ nhiệm làm Giám Mục Phụ Tá của Székesfehérvár, một giáo phận lân cận với tổng giáo phận Esztergom-Budapest. Vị chủ phong chính của ngài là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị, được hỗ trợ bởi Đức Tổng Giám Mục Giovanni Battista Re, niên trưởng Hồng Y Đoàn.
Ba năm sau, Đức Cha Erdő được bổ nhiệm làm nhà lãnh đạo tổng giáo phận và là Giáo chủ của Hung Gia Lợi. Ngài được trao chiếc mũ đỏ vài tháng sau đó, trở thành một trong những Hồng Y trẻ nhất thế giới, ở tuổi 51.
Ảnh hưởng của Đức Hồng Y Erdő bắt đầu mở rộng vượt xa khỏi Hung Gia Lợi sau khi ngài được bổ nhiệm làm chủ tịch Hội đồng Giám mục Âu Châu vào năm 2006, một chức vụ ngài đã giữ trong một thập niên.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm vị Hồng Y người Hung Gia Lợi làm tổng tường trình viên — một dạng điều phối viên chính — của các Thượng Hội Đồng về gia đình trong 2 năm 2014, 2015, vốn đã bị khuấy động bởi cuộc tranh luận về việc rước lễ của những người Công Giáo đã ly dị và tái hôn dân sự. Đức Hồng Y Erdő đã có bài phát biểu khai mạc tại phiên họp năm 2015 được coi là lời bảo vệ mạnh mẽ cho lập trường đã được thiết lập của Giáo hội. Mặc dù khó có thể nhận ra tác động chính xác của bài phát biểu đối với quỹ đạo của các hội nghị, nhưng nó đã khiến vị Hồng Y người Hung Gia Lợi trở thành một nhân vật cố định trong danh sách papabili.
Mặc dù có lập trường chính thống rất quyết liệt, Đức Hồng Y Erdő dường như vẫn duy trì mối quan hệ tốt với Đức Thánh Cha Phanxicô. Hung Gia Lợi là một trong số ít quốc gia mà Vị Giáo Hoàng người Á Căn Đình đã đến thăm hai lần, một chuyến ngắn vào năm 2021 cho Đại hội Thánh Thể Quốc tế tại Budapest và ba ngày vào năm 2023.
Quê hương của Đức Hồng Y Erdő đã trải qua một cuộc chuyển đổi lớn vào năm 2010, với cuộc bầu cử Thủ tướng Viktor Orbán, người đã khởi xướng một cuộc cải tổ hiến pháp, phương tiện truyền thông, tư pháp và chính sách nhập cư của đất nước. Đảng của Orbán, Fidesz, đã chuyển các khoản trợ cấp hào phóng cho các giáo phận, khiến những người chỉ trích cáo buộc Fidesz tìm cách mua chuộc sự im lặng của Giáo hội về các sáng kiến gây tranh cãi nhất của mình — một lời khẳng định mà các nhà lãnh đạo Giáo hội bác bỏ.
Đức Hồng Y có mối quan hệ căng thẳng với Orbán, một người theo Tin lành Calvin, người mô tả Hung Gia Lợi là “một thành trì bất khả xâm phạm của nền văn hóa Do Thái - Kitô giáo ở Âu Châu”. Đức Hồng Y Erdő đã chỉ trích chính phủ khi quốc hữu hóa các phòng khám thụ tinh trong ống nghiệm vào năm 2019, nhưng dường như không muốn tham gia vào cuộc tranh luận về lập trường cứng rắn của Fidesz đối với người di cư.
Trong khi đó, cộng đồng Công Giáo Hung Gia Lợi đã phải đối mặt với những thách thức về mặt nhân khẩu học. Một cuộc điều tra dân số năm 2022 cho thấy 2,6 triệu người tự nhận là người Công Giáo La tinh trong tổng số 9,6 triệu người. Trong thống kê 2001, Hung Gia Lợi, có 5,3 triệu người trong đó gần một nửa là người Công Giáo Latinh.(Điều quan trọng cần lưu ý là câu hỏi về tôn giáo là tùy chọn và 40% số người tham gia cuộc điều tra dân số năm 2022 đã từ chối trả lời.
Hung Gia Lợi cũng không miễn nhiễm với tình trạng thiếu hụt linh mục đang ảnh hưởng đến các nước Tây Âu. Đức Hồng Y Erdő cho rằng một phần nguyên nhân là do di sản chết chóc của chủ nghĩa cộng sản. Khi suy ngẫm về sự xuất hiện của ơn gọi linh mục của mình tại Cộng hòa Nhân dân Hung Gia Lợi, ngài cho biết cha mẹ đã giúp ngài thấy rằng đức tin là điều thiết yếu nhất trong cuộc sống.
“Do đó, nếu đức tin là điều quan trọng nhất trong cuộc sống, thì việc phục vụ đức tin của người khác, truyền bá đức tin, giảng dạy đức tin, và đặc biệt là phục vụ trong phụng vụ, là những điều vĩ đại nhất trong cuộc sống, là những điều quan trọng nhất mà người ta có thể làm, và hữu ích nhất, cho sự cứu rỗi chính mình và người khác,” ngài nói
“Đây là động lực chính mà tôi cảm thấy ngay từ khi còn là một cậu bé.”
4. Danh hiệu Giáo Hoàng có ý nghĩa gì? Một chút lịch sử và sự hài hước
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói đùa nhiều lần về danh hiệu Giáo Hoàng mà ngài mong đợi người kế nhiệm mình sẽ chọn
Năm 2022, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói đùa rằng một Vị Giáo Hoàng sẽ đến tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới sắp tới, nhưng ngài không biết đó sẽ là ngài hay “Đức Giáo Hoàng Gioan 24”. Đây không phải là lần đầu tiên ngài nhắc đến “Đức Giáo Hoàng Gioan 24” -- năm 2021, khi được mời đến thăm Ragusa, Ý, vào năm 2025, ngài đã nói rằng Đức Gioan 24 thực hiện chuyến thăm đó. Tất nhiên, ngài đang ám chỉ nhẹ đến tuổi tác của mình và rằng ngài có thể sẽ qua đời trước khi những sự kiện này diễn ra.
Có một báo cáo giai thoại từ Cơ Mật Viện năm 2005 -- rằng Đức Hồng Y Bergoglio (tương lai là Đức Phanxicô) được cho là đã nói rằng ngài sẽ lấy danh hiệu là Gioan 24 nếu được bầu. Năm đó, ngài không được bầu; Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 đã được bầu. Năm 2013, khi được bầu vào ngôi Giáo Hoàng, Đức Hồng Y Bergoglio là Đức Giáo Hoàng đầu tiên lấy hiệu là Đức Thánh Cha Phanxicô.
Mọi người đều quan tâm đến việc Đức Giáo Hoàng mới sẽ chọn tên nào và cái tên đó có ý nghĩa gì.
Nhiều vị Giáo Hoàng đã lấy tên của các Đức Giáo Hoàng trước đó (ngoại trừ một trường hợp đáng chú ý là tên của Đức Giáo Hoàng đầu tiên, Thánh Phêrô, tên của ngài đã được bỏ qua vì lòng tôn kính).
Có 23 Đức Giáo Hoàng Gioan mà chúng ta đã có cho đến nay. Những câu nói đùa của Đức Thánh Cha Phanxicô cũng có thể mang tính tiên tri, vì Thánh Gioan 23 là Đức Giáo Hoàng đã bắt đầu Công đồng Vatican II, và kỷ niệm 60 năm ngày kết thúc sự kiện đó sẽ nằm trong lịch của Đức Giáo Hoàng tiếp theo vào tháng 12... mặc dù, khi suy nghĩ lại, điều đó có vẻ như “Phaolô Đệ Lục” sẽ là một lựa chọn tốt hơn vì Đức Gioan 23 là người khai mạc Công đồng Vatican II, và Đức Phaolô Đệ Lục là người bế mạc.
Sau đó là Đức Gioan Phaolô I, người đã đưa ra một lựa chọn độc đáo khi chọn không chỉ một mà là cả hai vị tiền nhiệm trực tiếp của mình (Gioan 23 và Phaolô Đệ Lục). Sau 33 ngày tại vị, Vị Giáo Hoàng tiếp theo -- Gioan Phaolô Đệ Nhị -- đã quyết định làm theo.
Nhiều vị Giáo Hoàng đắc cử sẽ tránh xa việc lấy tên của một Giáo Hoàng khi nó đã bị “phá hỏng” bởi một người tiền nhiệm có tiếng xấu. Ví dụ, không có Đức Giáo Hoàng Alexander nào kể từ năm 1503, vì Đức Giáo Hoàng Alexander Đệ Lục cai quản Giáo Hội từ năm 1492 đến năm 1503 có nhiều tai tiếng.
Như chúng ta biết từ Đức Thánh Cha Phanxicô, các Đức Giáo Hoàng đắc cử cũng có thể chọn những cái tên mới, chưa từng được sử dụng trước đây. Hai ví dụ nổi bật trong lịch sử Giáo hội là Đức Giáo Hoàng Lando, cai quản Giáo Hội từ năm 913 đến năm 914, và Đức Giáo Hoàng Hilariô, cai quản Giáo Hội từ năm 461 đến năm 468. Danh hiệu hilarius không được ưa chuộng vì từ hilarious phát âm gần đúng như thế có nghĩa là “cực kỳ vui nhộn”.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô lấy tên của Thánh Phanxicô thành Assisi và chia sẻ câu chuyện sau đây về cuộc bầu cử của mình:
“Khi tình hình trở nên hơi căng thẳng trong Cơ Mật Viện, Hồng Y Hummes đã an ủi tôi. Và rồi, khi số phiếu đạt đến hai phần ba, tiếng vỗ tay như thường lệ vang lên, vì Đức Giáo Hoàng đã được bầu. Và ngài ôm tôi, hôn tôi, và nói: 'Đừng quên người nghèo.' Và những lời đó đến với tôi: người nghèo, người nghèo. Sau đó, ngay lập tức, khi nghĩ đến người nghèo, tôi nghĩ đến Phanxicô Assisi.”
Ngài là người của hòa bình. Ngài là người của sự nghèo khó. Ngài là người yêu thương và bảo vệ tạo vật. Ngày nay chúng ta không có mối quan hệ tốt đẹp với tạo vật, phải không? Ngài là người mang đến cho chúng ta tinh thần hòa bình này, người nghèo.... Ôi, tôi muốn một Giáo hội nghèo và vì người nghèo biết bao!
Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 đã chọn tên của mình theo tên của hai người đàn ông. Người đầu tiên là Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 15, người mà cựu Hồng Y Ratzinger đã nói, “Ngài là một nhà tiên tri hòa bình thực sự và can đảm và đã làm việc không mệt mỏi cho hòa bình trong thảm kịch của Thế chiến thứ nhất.”
Người kia là Thánh Bênêđíctô thành Nursia, người sáng lập ra đời sống viện tu phương Tây. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 giải thích, “Ngài đại diện cho một điểm tham chiếu cơ bản cho sự thống nhất của Âu Châu và là lời nhắc nhở mạnh mẽ về nguồn gốc Kitô giáo không thể thiếu của nền văn hóa và nền văn minh của Âu Châu.”
Trong số hai vị Thánh Giáo Hoàng gần đây nhất, rõ ràng là các Đức Giáo Hoàng có thể sẽ chọn một danh hiệu thể hiện phần nào tinh thần mà các ngài muốn phục vụ với tư cách là Đức Thánh Cha.
Sau khi người được bầu chấp nhận sự lựa chọn của các Hồng Y và trở thành Đức Giáo Hoàng tiếp theo, ngài sẽ được giới thiệu với thế giới. Trong tiếng Latin, chúng ta sẽ nghe những lời này, “Tôi thông báo với anh chị em một niềm vui lớn: Chúng ta có một Đức Giáo Hoàng!” Tiếp theo là tên rửa tội của Đức Giáo Hoàng mới và thông báo danh hiệu đã chọn của ngài.
[Aleteia: What’s in a (papal) name? Some history and humor
5. George Weigel: Trước thềm một Cơ Mật Viện có tầm quan trọng lớn
Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông vừa có bài tường trình từ Rôma nhan đề “On the Eve of a Conclave of Great Consequence”, nghĩa là “Trước thềm một Cơ Mật Viện có tầm quan trọng lớn”.
Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Trong những ngày qua, một số Hồng Y cử tri đã sống ở nhiều địa điểm khác nhau quanh Rôma. Tuy nhiên, toàn bộ cử tri đoàn sẽ phải chuyển đến Vatican vào đêm Thứ Ba, 06 Tháng Năm, hoặc chậm nhất là sáng sớm thứ Tư.
Các Hồng Y cử tri không có đủ chỗ ở tại nhà trọ Santa Marta vì số lượng cử tri đoàn lớn chưa từng có và quyết định của Đức Thánh Cha Phanxicô sau khi được bầu vào ngôi Giáo Hoàng vào năm 2013 là sống tại nhà trọ Santa Marta - một quyết định nhiều người phàn nàn rằng đã khiến Vatican mất một số tiền thuê nhà và làm trầm trọng thêm các vấn đề an ninh của hiến binh Vatican và Đội cận vệ Thụy Sĩ. Phần lớn tầng hai, nơi Đức Cố Giáo Hoàng đã dần tiếp quản, đã bị niêm phong, theo lệnh của tông hiến chi phối thời kỳ trống ngôi Giáo Hoàng và Cơ Mật Viện.
Vì vậy, phần lớn các Hồng Y cử tri sẽ ở tại nhà trọ, nhưng một nhóm nhỏ hơn ở trong một cơ sở cũ hơn của Vatican. Đây không phải là một tình huống tốt và tình trạng này có thể được ngăn chặn bằng cách vị Giáo Hoàng tiếp theo nên trở về căn nhà của Đức Giáo Hoàng tại điện Tông Tòa—và sau đó mời báo chí quốc tế đến thăm, để cho thế giới thấy rằng đó là một ngôi nhà của tầng lớp trung lưu Ý, chứ không phải là một Xanadu xa hoa.
Trong tuần qua trong các phiên họp của Đại hội đồng, đã có một vài ví dụ về những gì một số người coi là những bài phát biểu vận động tinh tế. Không ai có vẻ hiểu tại sao một số Hồng Y (thường là người hay nói) được phép có ba lần can thiệp trong khi những người khác phải vật lộn để có được năm phút phát biểu.
Sau khi một Hồng Y mới can đảm hỏi Hồng Y Giovanni Battista Re, Niên trưởng Hồng Y Đoàn, người chủ trì các phiên họp này, vấn đề được sáng tỏ là các vị Hồng Y không biết tên nhau. Ít nhất một Hồng Y đã bị xướng danh nhầm trên màn hình khi đưa ra bài phát biểu của mình. Nhiều vị Hồng Y thừa nhận ngay từ đầu rằng các ngài không biết nhau. Cuối cùng, đã có một hình thức nhận dạng là bảng tên cho phép các ngài giao tiếp với nhau bằng tên.
Bất chấp những trục trặc nhỏ đó, đã có nhiều bài can thiệp quan trọng trong các phiên họp Đại hội đồng. Những bài phát biểu đó, cùng với cơn sóng thần bình luận sau cái chết của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, đã nêu ra một số câu hỏi mà tôi muốn bình luận ngắn gọn.
Thứ nhất, trong các phiên họp Đại Hội Đồng, một số Hồng Y đã thúc giục anh em của mình không nên vội vàng phán đoán trong Cơ Mật Viện; những người khác muốn đưa ra quyết định nhanh chóng và ra về. Có thể hiểu được rằng những người đàn ông ở một độ tuổi nhất định, những người vừa trải qua Tuần Thánh và Lễ Phục sinh nghiêm ngặt trong giáo phận của mình, không muốn xa rời sự thoải mái quen thuộc trong một thời gian dài. Tuy nhiên, có thể nhớ rằng gần đây nhất là năm 1978, trong cuộc bầu cử của Đức Gioan Phaolô I và Gioan Phaolô Đệ Nhị, các Hồng Y cử tri đã sống trong những điều kiện thực sự khốn khổ, đặc biệt là trong Cơ Mật Viện đầu tiên năm 1978.
Khi đó, các ngài được đưa vào ở trong những “phòng” tạm thời được dựng tạm khắp Điện Tông Tòa; một số vị ngủ trên giường xếp; các thiết bị vệ sinh không đầy đủ và phải sử dụng bô vệ sinh; trời nóng kinh khủng (hai Đức Giáo Hoàng tương lai, Karol Wojtyła và Joseph Ratzinger, đã đi dạo một đêm ở Cortile San Damaso để tránh nóng—và bắt đầu một cuộc trò chuyện có ý nghĩa to lớn, qua đó chứng minh rằng sự khó chịu tạm thời có thể mang lại kết quả tốt đẹp lâu dài). Để tránh những tình huống khốn khổ tột cùng như vậy, Đức Gioan Phaolô II đã xây dựng nhà trọ Santa Martha, nơi hoàn toàn thoải mái, nếu không muốn nói là giống như Four Seasons đã được gợi ý trong một số phần của bộ phim Conclave.
Các Hồng Y mới dường như hoan nghênh ý tưởng về một Cơ Mật Viện cần có thời gian. Tiếng nói của họ cần được lắng nghe. Trong nhiều trường hợp, các Hồng Y kỳ cựu, lớn tuổi hơn cũng nghĩ rằng ít nhất các ngài vẫn còn một công việc phục vụ quan trọng này để làm cho Giáo hội. Tôi cầu nguyện rằng các ngài dành thời gian để thưởng thức nó, trong khi để Chúa Thánh Thần quyết định tốc độ thảo luận của các vị.
Thứ hai, làn sóng chỉ trích chính sách Trung Quốc của Vatican dưới thời Đức Thánh Cha Phanxicô đã lan truyền nhanh chóng và một số nhận xét về vấn đề này là hợp lý. Trước đây, nhiều người cho rằng về cơ bản đó chỉ là mối quan ngại của Hoa Kỳ. Tình hình đã thay đổi.
Đầu tiên, chính sách hiện tại, cho phép Đảng Cộng sản Trung Quốc đóng vai trò lãnh đạo trong việc đề cử giám mục, vi phạm Điều 377.5 của Bộ Giáo luật. Khoản giáo luật này đưa giáo huấn của Công đồng Vatican II vào hình thức pháp lý trong Sắc lệnh về Chức vụ Mục vụ của Giám mục trong Giáo hội: Chính phủ không được tham gia vào việc bổ nhiệm giám mục. Sự bất hợp pháp trên thực tế theo giáo luật (làm suy yếu luật pháp trong toàn Giáo hội) nên được mọi người quan tâm.
Thứ hai, những người chỉ trích chính sách này hiểu rõ rằng Tòa thánh thường phải đối phó với các chính phủ không tốt. Thách thức là phải đối phó với các chính phủ đó theo cách thận trọng về mặt chiến lược mà không làm cho tình hình của một Giáo hội địa phương đang bị áp lực trở nên khó khăn hơn. Chính sách Trung Quốc hiện tại không đáp ứng được thách thức đó.
Chính sách “Hán hóa” mọi tôn giáo ở Trung Quốc của Tập Cận Bình chính là công thức cho sự hủy diệt chậm rãi các tôn giáo: do đó, trong trường hợp Công Giáo, đã xảy ra việc thay thế bắt buộc các hình ảnh tôn giáo (như Đàng Thánh Giá) trong nhà thờ bằng chân dung của Tập Cận Bình và những câu nói của ông ta.
Hơn nữa, chế độ Trung Quốc đã trắng trợn phá vỡ thỏa thuận mà họ đã ký lần đầu với Vatican vào năm 2018, gần đây nhất là bằng cách sắp xếp “cuộc bầu cử” và bổ nhiệm hai giám mục mới trong thời kỳ trống ngôi Giáo Hoàng - một thời gian mà không có giám mục nào được bổ nhiệm, vì nhiệm vụ giám mục phải đến từ Đức Giáo Hoàng và tại thời điểm đó không có Đức Giáo Hoàng nào. Lo ngại về một cường quốc liên tục từ bỏ các thỏa thuận của mình với Tòa thánh, trong khi tìm cách khuất phục mọi hoạt động tôn giáo cho một nhà nước toàn trị với ý thức hệ vô thần, không chỉ là âu lo của hàng giáo phẩm Hoa Kỳ.
Thứ ba, những nhà phê bình chu đáo về chính sách của Vatican về Trung Quốc hiện tại đã nêu rõ rằng mối quan tâm của họ về cơ bản là truyền giáo: nghĩa là, chính sách này không hỗ trợ cho việc truyền giáo của Trung Quốc ngày nay và có khả năng sẽ cản trở việc truyền giáo trong tương lai. Khi chế độ cộng sản Trung Quốc đi vào thùng rác của lịch sử, như tất cả các chế độ cộng sản cuối cùng sẽ trải qua, Trung Quốc sẽ là lĩnh vực truyền giáo Kitô vĩ đại nhất kể từ khi người Âu Châu đến Tây bán cầu vào thế kỷ XVI. Lợi thế tương đối trong lĩnh vực truyền giáo rộng lớn đó sẽ không nằm ở những người được xác định là a dua với chế độ trước đó, mà là những người không cúi mình trước nó—và do đó chứng minh sự kiên định trong niềm tin của họ rằng Chúa Giêsu, chứ không phải Caesar, mới là Chúa.
Thứ tư, các can thiệp trong các phiên họp của Đại Hội Đồng thường tập trung vào các vấn đề nội bộ của Giáo hội, chẳng hạn như mệnh lệnh cải cách tài chính; nhu cầu quay trở lại chế độ quản lý Giáo Hoàng ít chuyên quyền hơn; những hiểu biết khác nhau về “ tính đồng nghị” và mối quan hệ của nó với thẩm quyền của các giám mục trong Giáo hội; v.v. Điều này hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, người ta hy vọng rằng, trong các cuộc trò chuyện riêng tư và các cuộc họp nhóm “ ngoài Broadway “, có thể nói như vậy, các Hồng Y đang nhận ra rằng họ đang lựa chọn một Đức Giáo Hoàng trong bối cảnh một cuộc khủng hoảng văn hóa lớn: một cuộc khủng hoảng đe dọa chính nền văn minh. Và đó là cuộc khủng hoảng trong chính ý tưởng về con người trong đó nhiễm sắc thể không tạo ra sự khác biệt; nhưng ý chí cá nhân là tất cả, đã gây ra đau khổ không kể xiết. Nó đã dẫn đến sự suy giảm sức khỏe tâm thần trên quy mô lớn. Nó khiến việc hình thành tình bạn lâu dài trở nên khó khăn, bao gồm cả hình thức tình bạn độc đáo là hôn nhân. Nó đã làm hỏng y học, khoa học, luật pháp và giáo dục. Nó đã thả lỏng sự cám dỗ toàn trị trong các nền dân chủ cũ, như khi những người chủ nhà ở Vương quốc Anh được cho biết rằng họ có thể là tội phạm nếu họ cầu nguyện trong nhà của họ cho những phụ nữ đang trong giai đoạn mang thai khủng hoảng, nếu nhà của họ quá gần một phòng khám phá thai. (Tôi không bịa ra điều đó.) Và như nhiều hơn một trong những đồng nghiệp của tôi trong các trang này đã lưu ý, cuộc khủng hoảng nhân học đã có tác động tàn phá đến thần học đạo đức Công Giáo, khi các nhà thần học của Giáo hội đã phá hủy những hiểu biết cổ điển của Công Giáo về những gì tạo nên hạnh phúc và sự phát triển của con người, bằng cách nhượng bộ một lượng lớn cơ sở đạo đức cho các chương trình nghị sự về tình dục và giới tính thức tỉnh.
Giáo Hội Công Giáo là một trong số ít các tổ chức trên thế giới có cả sức mạnh trí tuệ và năng lực tổ chức để thách thức sự bác bỏ khái niệm Kinh thánh về phẩm giá và số phận con người, và giúp chữa lành nhiều nạn nhân của quan niệm bóp méo cuộc sống rằng mọi thứ trong tình trạng con người đều có thể thay đổi theo ý muốn của chúng ta—bất kể ý muốn của chúng ta có thể mất phương hướng như thế nào. Nhà lãnh đạo tiếp theo của Giáo hội phải là một người có thể nói, với sự tin tưởng và lòng trắc ẩn, những chân lý Kinh thánh về con người chúng ta (sáng tạo, chứ không phải là tình cờ); chúng ta đến từ đâu (một Đấng Tạo Hóa yêu thương); cách chúng ta hình thành cộng đồng đích thực (mà Giáo hội là một “bí tích”, theo Công đồng Vatican II); cách chúng ta sống xứng đáng (bằng cách tự hiến, chứ không phải tự khẳng định); và số phận cuối cùng của chúng ta là gì (cuộc sống vĩnh cửu, chứ không phải sự lãng quên).
Việc suy ngẫm về các bức bích họa của Michelangelo trong Nhà nguyện Sistina trong suốt Cơ Mật Viện có thể giúp tập trung sự chú ý vào tất cả những điều này.
Thứ năm, Cha James Martin, Dòng Tên, có lẽ là người ủng hộ hàng đầu của Giáo hội cho những gì ngài gọi là “Người Công Giáo LGBTQ”, gần đây đã viết về “nỗi sợ” mà nhiều người mà ngài tiếp xúc có về Cơ Mật Viện và kết quả có thể xảy ra của nó. Không một người Công Giáo nào muốn bất kỳ người Công Giáo nào khác sống trong sợ hãi về Giáo hội. Sau cùng, Chúa Kitô đã hứa rằng Người sẽ luôn ở cùng chúng ta, và việc nhắc nhở nhau về điều đó là một công việc thiết yếu của lòng bác ái và tình đoàn kết Kitô giáo.
Tuy nhiên, điều tốt là phải thừa nhận rằng vẫn còn những nỗi lo sợ khác trong Giáo hội—và chúng đáng được các Hồng Y cử tri xem xét.
Người ta lo ngại rằng sự thiếu rõ ràng về học thuyết Công Giáo, giáo lý đạo đức và thực hành mục vụ sẽ dẫn Công Giáo vào con đường lãng quên mà Tin Lành Tự do đã đi qua trong hai thế kỷ qua.
Người ta lo sợ rằng lòng thương xót và sự thật, lòng bác ái và sự thật sẽ tiếp tục bị đặt cạnh nhau một cách sai trái trong một số cộng đồng Công Giáo, với sự chấp thuận ngầm từ một số nhà lãnh đạo Giáo hội.
Người ta lo ngại rằng một số người sẽ tiếp tục hiểu sai Công đồng Vatican II là thời điểm mà Giáo Hội Công Giáo được Đức Gioan XXIII kêu gọi tái tạo chính mình: đó là điều cuối cùng mà Đức Gioan XXIII nghĩ đến.
Người ta lo sợ rằng sự hiệp nhất của Giáo hội sẽ bị hiểu lầm là sự hiệp nhất của một cuộc đối thoại đang diễn ra trong đó mọi ý kiến đều được coi là bình đẳng và không có gì được giải quyết, thay vì sự hiệp nhất trong chân lý mà Chúa Kitô đã để lại cho Giáo hội.
Người ta lo ngại rằng tiếng nói của Vatican sẽ tiếp tục bị dập tắt, như thường lệ trong mười hai năm qua, trong những tình huống mà cộng đồng Công Giáo đang bị đàn áp dã man.
Người ta lo ngại rằng nạn lạm dụng tình dục của giáo sĩ, đặc biệt là ở Mỹ Latinh, sẽ không được các Hồng Y cử tri coi trọng như đáng lẽ phải làm, và hồ sơ của các ứng cử viên Đức Giáo Hoàng tiềm năng trong việc giải quyết những vấn đề nghiêm trọng này - trong đó các tâm hồn bị tổn thương nghiêm trọng và công cuộc truyền giáo bị cản trở nghiêm trọng - sẽ không được thẩm tra đầy đủ.
Người ta lo ngại rằng sự phản ánh nghiêm chỉnh của Rôma về các vấn đề cấp bách của cuộc sống sẽ bị đe dọa hơn nữa nếu Viện Gioan Phaolô Đệ Nhị về Hôn nhân và Gia đình tại Đại học Giáo Hoàng Latêranô tiếp tục thu hút các giảng viên thách thức hoặc bất đồng quan điểm với giáo huấn đã được Giáo hội thiết lập và Học viện Đức Giáo Hoàng về Sự sống tiếp tục bổ nhiệm các thành viên tuyên bố rằng phán quyết Dobbs của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ, là phán quyết bác bỏ tuyên bố rằng có quyền phá thai theo hiến pháp, là sai sót về mặt đạo đức vì không tính đến quyền “tự chủ” của phụ nữ.
Vì vậy, có nhiều nỗi sợ hãi trong Giáo hội.
Người theo chủ nghĩa Marx bất đồng chính kiến Nam Tư Milovan Djilas, một người đàn ông dũng cảm đã thách thức chế độ độc tài Tito, đã từng nói rằng Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị là người đàn ông duy nhất mà ông từng gặp hoàn toàn không sợ hãi. Đó là một lời tri ân cảm động, nhưng cách diễn đạt có thể hơi sai. Đức Gioan Phaolô Đệ Nhị không sống mà không sợ hãi nhưng ngài vượt qua nỗi sợ hãi. Và ngài có thể làm như vậy vì ngài hoàn toàn tin rằng Chúa Giêsu đã gánh chịu mọi nỗi sợ hãi của con người khi Ngài bước lên cây Thánh giá, nơi ngài hiến tế nỗi sợ hãi đó trong ngọn lửa tình yêu thiêng liêng—do đó cho phép tất cả những ai theo ngài và sự nghiệp của ngài có thể sống vượt qua nỗi sợ hãi. Đức tin hình thập tự giá, lấy Chúa Kitô làm trung tâm là nguồn gốc của sự không sợ hãi của Thánh Gioan Phaolô Đệ Nhị.
Câu trả lời cho nỗi sợ về Giáo hội hoặc trong Giáo hội là hướng về Chúa Giêsu Kitô, Đấng ban cho mọi người món quà là tình bạn với Con Thiên Chúa nhập thể, sự cứu rỗi và sự sống vĩnh cửu—theo các điều kiện của Người, không phải của chúng ta. Và các điều kiện của Người đã được nêu ra một cách ngắn gọn vào lúc bắt đầu sứ vụ công khai của Người: “Hãy ăn năn và tin vào Tin Mừng” (Mc 1:15). Nếu Giáo Hội Công Giáo không công bố và sống sự hoán cải của tâm trí và trái tim đó, thì đó chỉ là một tổ chức phi chính phủ quốc tế khác. Nếu Giáo hội công bố và sống sự hoán cải đó, thì Giáo Hội sẽ làm bùng cháy thế giới.
6. Câu hỏi này đã làm rung động Đức Gioan Phaolô II — Bây giờ một người đàn ông khác phải đáp lại lời triệu tập của Chúa Kitô
Linh mục Raymond J. de Souza, là chủ bút tập san Công Giáo Convivium của Canada. Ngài vừa có bài viết nhan đề “This Question Shook John Paul II — Now Another Man Must Answer Christ’s Summons”, nghĩa là “Câu hỏi này đã làm rung động Đức Gioan Phaolô II — Bây giờ một người đàn ông khác phải đáp lại lời triệu tập của Chúa Kitô”.
Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Vào Chúa Nhật trước khi Cơ Mật Viện bắt đầu, khá nhiều Hồng Y đã đến thăm “các nhà thờ hiệu tòa” của các ngài ở Rôma. Vào ngày Chúa Nhật đó, các ngài sẽ có một văn bản Phúc Âm có thể truyền cảm hứng cho bài giảng của các ngài khi các ngài chuẩn bị bầu một vị Tân Giáo Hoàng.
Bài Phúc Âm được chỉ định cho Chúa Nhật này là Gioan 21:1-19. Chúa Giêsu yêu cầu Phêrô ba lần tuyên xưng tình yêu dành cho Người, và ba lần trao cho ông sứ mệnh chăm sóc toàn thể đàn chiên — “hãy chăn dắt chiên con của Ta, hãy chăn dắt chiên của Ta.” Vì đây là bài Phúc Âm được chỉ định cho Thánh lễ Chúa Nhật trên toàn thế giới, nên các nhà thuyết giáo ở khắp mọi nơi có thể sẽ giảng về quyền tối thượng của Phêrô.
Mỗi Hồng Y, khi nhận mũ đỏ, được chỉ định một nhà thờ ở Rôma, để trở thành, như thể, một linh mục giáo xứ địa phương. Trên thực tế, ngài không phải là như vậy, nhưng việc chỉ định chức danh này duy trì một truyền thống cổ xưa rằng giám mục địa phương được các giáo sĩ địa phương lựa chọn — trong trường hợp này, giám mục của Rôma được các giáo sĩ của Rôma bầu chọn. Hồng Y đoàn thể hiện tính phổ quát của toàn thể Giáo hội; các nhà thờ hiệu tòa của các ngài liên kết các ngài với giáo phận địa phương Rôma.
Các chuyến viếng thăm trước Cơ Mật Viện để cử hành Thánh lễ Chúa Nhật có thể gây ra khá nhiều náo động. Các Hồng Y sống xa Rôma hiếm khi đến thăm nhà thờ hiệu tòa của các ngài, vì vậy bất kỳ chuyến viếng thăm nào cũng có thể là một sự kiện địa phương.
Với bầu không khí sốt sắng ngay trước một Cơ Mật Viện, các Hồng Y nổi tiếng nhất thu hút một nhóm người ủng hộ, những người tò mò và giới truyền thông. Những vị Hồng Y được truyền thông đồn đoán là đang dẫn đầu sẽ nói gì? Điều đó có giúp ích hay gây tổn hại cho mục đích của các ngài hay không? Những người được gọi là những nhà tạo vương đang muốn chọn ai? Có những lời cầu nguyện chuyển cầu bằng tiếng Quan Thoại không? Có những lời cầu nguyện cho những người Công Giáo bị đàn áp không? Có thể là một cảnh tượng khá ngoạn mục.
Gioan 21 cũng được sử dụng trong tang lễ của Đức Giáo Hoàng. Nó được sử dụng cho cả Đức Thánh Cha Phanxicô và Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị. Đức Hồng Y Giovanni Battista Re, người đã thuyết giảng tuần trước, hầu như không để ý đến đoạn Phúc âm trong bài giảng của mình khi dành phần lớn bài giảng theo khuôn sáo để nhắc lại cuộc đời của Đức Thánh Cha Phanxicô. Các Đức Hồng Y chắc chắn sẽ làm tốt hơn thế vào Chúa Nhật này.
Năm 2005, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger đã có bài giảng tuyệt tác tại tang lễ của Đức Gioan Phaolô II, được xây dựng xung quanh những lời cuối cùng của Chúa Giêsu nói với Phêrô: Hãy theo Ta! Người ta hy vọng các nhà thuyết giáo cấp Hồng Y có thể đến gần Đức Hồng Y Ratzinger vào Chúa Nhật này.
Bài giảng vĩ đại nhất trước Cơ Mật Viện Hồng Y cũng đề cập đến chính văn bản đó, Gioan 21, vào tháng 10 năm 1978. Đức Gioan Phaolô I đã qua đời chỉ sau 33 ngày, và các Hồng Y sửng sốt đã tập trung cho Cơ Mật Viện Hồng Y lần thứ hai trong năm đó.
Sau khi đến Rôma, các Hồng Y Ba Lan đã dâng Thánh lễ cho Đức Cố Giáo Hoàng. Đức Hồng Y Stefan Wyszyński, giáo chủ Ba Lan, là vị chủ tế chính, và Đức Hồng Y Karol Wojtyła, tổng giám mục Kraków, đã thuyết giảng về cuộc trò chuyện giữa Chúa Giêsu và Phêrô.
Không có video nào về sự kiện này và hầu như không ai biết đến cho đến khi nhà viết tiểu sử Giáo Hoàng George Weigel đưa nó vào Witness to Hope – Chứng Nhân Hy Vọng, cuốn tiểu sử năm 1999 về Đức Gioan Phaolô Đệ Nhị. Weigel phát hiện ra nó trong Kalendarium życia Karola Wojtyła, một sưu tập đầy đủ về các bài giảng trước khi ngài được bầu làm Giáo Hoàng do Adam Boniecki biên soạn.
Với phẩm chất gần như huyền bí, Vị Giáo Hoàng tương lai đã thuyết giảng vào ngày hôm đó về người tiền nhiệm trực tiếp của mình, Đức Gioan Phaolô I, và người tiền nhiệm đầu tiên của mình, Thánh Phêrô:
Sự kế vị Phêrô, lời triệu tập vào sứ vụ Giáo Hoàng, luôn chứa đựng trong đó lời kêu gọi đến tình yêu cao cả nhất, đến một tình yêu rất đặc biệt. Và khi Chúa Kitô nói với một ai đó, 'Hãy đến, theo Ta,' Người luôn luôn hỏi người đó điều Người đã yêu cầu Simon: 'Con có yêu mến Thầy hơn những người này không?'“
Câu hỏi cốt lõi của mọi ơn gọi đều giống nhau: “Con có yêu mến Thầy không?” Nhưng chức thánh Phêrô, là Đại diện của Chúa Kitô, thật đáng sợ đến nỗi trái tim không thể chịu nổi sức nặng. Đức Hồng Y Wojtyła một lần nữa cho biết:
Khi đó, trái tim con người phải run rẩy. Trái tim của Simon đã run rẩy, và trái tim của Albino Luciani, trước khi ngài lấy hiệu là Gioan Phaolô I, cũng đã run rẩy. Trái tim con người phải run rẩy, bởi vì trong câu hỏi cũng có một yêu cầu. Bạn phải yêu! Bạn phải yêu nhiều hơn những người khác, nếu toàn bộ đàn chiên được giao phó cho bạn, nếu lệnh truyền, 'Hãy chăn chiên của Thầy' muốn đạt được phạm vi được nêu trong ơn gọi và sứ mệnh của Phêrô.
Đây thực sự là một đoạn văn đáng chú ý. Trước ngưỡng cửa của sứ vụ Giáo Hoàng năm 1978, Đức Hồng Y Wojtyła đã cảm thấy sức nặng của lời kêu gọi — một sức nặng quá lớn đối với trái tim con người. Chắc chắn trái tim của vị Hồng Y người Ba Lan đã run rẩy. Để Giáo hội có thể nhận được món quà là Phêrô, một người phải sẵn sàng trả giá. Thánh Phêrô đã trả giá đó bằng mạng sống của mình, bị đóng đinh trên đồi Vatican.
Một lần nữa, bài giảng của Đức Hồng Y Wojtyła nói:
Chúa Kitô nói những lời bí ẩn, Người nói với Phêrô: 'Khi còn trẻ, con đã tự thắt lưng và đi đến nơi con muốn. Nhưng khi con già đi, người khác sẽ thắt lưng và dẫn con đến nơi con không muốn đến.' Những lời đầy bí ẩn. … Và vì vậy, trong lời triệu tập này, được Chúa Kitô hướng dẫn cho Phêrô sau khi Người Phục sinh, lệnh truyền của Chúa Kitô, 'Hãy theo Ta', có ý nghĩa kép. Đó là lời triệu tập để phục vụ, và lời triệu tập để chết …
Chỉ vài ngày sau, lời triệu tập đó đã đến với Đức Hồng Y Karol Wojtyła của Kraków. Như tất cả các vị Giáo Hoàng khác, ngài đã được hỏi trong Cơ Mật Viện: “Ngài có chấp nhận cuộc bầu cử của mình không?” Ngài thực sự đã được hỏi, trong Nhà nguyện Sistina, trước bức tượng Chúa Kitô Thẩm phán đồ sộ của Michelangelo: “Con có yêu mến Thầy những người này không?”
Hai mươi lăm năm sau, vào tháng 10 năm 2003, tại lễ kỷ niệm 25 năm ngày lên ngôi Giáo Hoàng, Đức Gioan Phaolô II đã nhắc lại Gioan 21:
Mỗi ngày, cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và Phêrô diễn ra trong lòng tôi. Trong tinh thần, tôi hướng mắt về Chúa Kitô Phục sinh. Ngài, hiểu rõ sự yếu đuối của con người tôi, khuyến khích tôi đáp lại bằng lòng tin tưởng như Phêrô đã làm: “Lạy Chúa, Chúa biết mọi sự; Chúa biết con yêu Chúa” (Ga 21:17). Và rồi Ngài mời gọi tôi đảm nhận những trách nhiệm mà chính Ngài đã giao phó cho tôi.
Trong triều Giáo Hoàng dài của mình, khi Đức Gioan Phaolô II nói về sứ vụ Giáo Hoàng của mình, ngài thích trích dẫn văn bản Luca 22:32. Chúa Giêsu, dự đoán về sự chối Chúa của Thánh Phêrô, bảo đảm với thánh nhân rằng Ngài đã cầu nguyện cho ông để “đức tin của ông không bị mất” và rằng Phêrô sẽ trở lại và có sứ mệnh củng cố đức tin của những người khác. Đức Gioan Phaolô II ít khi trích dẫn các đoạn văn nổi tiếng hơn liên quan đến Thánh Phêrô trong Matthêu 16 và Gioan 21. Nhưng trong cuộc sống cầu nguyện nội tâm của Đức Gioan Phaolô II với Chúa, cuộc trò chuyện trong Gioan 21 luôn đồng hành cùng ngài.
Trong thánh lễ an táng trọng thể của Đức Gioan Phaolô II năm 2005, Đức Hồng Y Ratzinger đã đặt toàn bộ triều Giáo Hoàng vào bối cảnh của Gioan 21:
Trong những năm đầu của triều Giáo Hoàng, khi còn trẻ và tràn đầy năng lượng, được Chúa Kitô hướng dẫn, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô Đệ Nhị đã đi đến tận cùng trái đất. Nhưng sau đó, ngài ngày càng đi vào sự hiệp thông với những đau khổ của Chúa Kitô; ngài ngày càng hiểu được sự thật của những lời này: 'Một người khác sẽ thắt lưng cho anh'. Và trong chính sự hiệp thông này với Chúa đau khổ, không mệt mỏi và với cường độ mới, ngài đã công bố Tin Mừng, mầu nhiệm của tình yêu đó đến cùng (x. Ga 13:1).
Khi trao quyền tối thượng cho Phêrô, Chúa Giêsu đã đặt quyền này vào trong mầu nhiệm tình yêu. Một tình yêu sâu sắc và rộng lớn đến nỗi trái tim con người khó có thể chứa đựng được. Vì thế, trái tim run rẩy.
Vào Chúa Nhật vừa qua, đối với nhiều Hồng Y, bài giảng là lời phát biểu công khai cuối cùng của các ngài trước khi Cơ Mật Viện bắt đầu vào thứ Tư. Sau đó, đối với một người, lệnh triệu tập sẽ đến gần, và trái tim sẽ run rẩy.
7. Đếm ngược đến ngày khai mạc Cơ Mật Viện: Những phẩm chất cần tìm kiếm ở vị Giáo Hoàng tiếp theo
Edward Petin phân tích gia của tờ National Catholic Register có bài nhận định nhan đề “Conclave Countdown: Qualities to Look for in the Next Pope”, nghĩa là “Đếm ngược đến ngày khai mạc Cơ Mật Viện: Những phẩm chất cần tìm kiếm ở vị Giáo Hoàng tiếp theo”.
Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.
Những phẩm chất của một vị Giáo Hoàng không chỉ đơn thuần là những phẩm chất của một dạng giám đốc điều hành Giáo Hội Công Giáo.
Tối thiểu, ngài phải có đức tin mạnh mẽ và lòng khiêm nhường, sẵn sàng tuân thủ giáo huấn của Giáo hội và truyền thống tông đồ, và thể hiện danh hiệu cổ xưa của Đức Giáo Hoàng là servus servorum Dei, Người tôi tớ của các Người tôi tớ Chúa.
Nhưng ngài cũng phải sở hữu những phẩm chất đặc biệt khác, và lý tưởng nhất là thể hiện sự thánh thiện tuyệt vời cùng đức hạnh nổi bật — đức hạnh mà, như tôi đã viết trong cuốn sách The Next Pope xuất bản năm 2020, có thể được hiểu rõ nhất bằng cách nhìn vào tấm gương của Thánh Phêrô trong Tân Ước.
Được Chúa Kitô Phục sinh yêu cầu “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy” (Ga 21:17) sau khi Phêrô chối Người, một vị Giáo Hoàng phải thể hiện tình yêu dành cho Chúa Kitô, tình yêu này lan tỏa đến mọi thành viên trong thân thể huyền nhiệm của Chúa Kitô — “đàn chiên” mà Chúa Kitô là Người Chăn Chiên Nhân Lành.
Không giống như một chính trị gia chỉ tập trung vào thế giới này, trách nhiệm chính của một vị Giáo Hoàng là giúp dẫn dắt hàng triệu linh hồn đến thế giới tiếp theo. Do đó, lòng bác ái của ngài phải cho phép ngài “chăm sóc” đàn chiên thông qua việc cai quản, “nuôi dưỡng” đàn chiên thông qua phụng vụ và dạy họ giáo lý lành mạnh như một nhà tiên tri — về bản chất, ba munera hay ba nhiệm vụ của một giám mục là giảng dạy, cai quản và thánh hóa.
Thánh Phêrô mở rộng chủ đề này bằng cách khuyên nhủ các linh mục:
“Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em: lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tụy. Đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên. Như thế, khi Vị Mục Tử tối cao xuất hiện, anh em sẽ được lãnh triều thiên vinh hiển không bao giờ hư nát.” (1 Pr 5:2-4)
Hơn nữa, cũng giống như Thánh Phêrô, người đã được mặc quần áo và dẫn đến nơi mà ngài “không muốn đến”, một vị Giáo Hoàng phải luôn khiêm nhường và phục tùng Chúa Quan Phòng. Và như Phêrô, “tảng đá” mà Giáo hội hữu hình được thành lập trên đó, người kế nhiệm ngài, nhờ ân sủng Chúa, phải mạnh mẽ về cả tính cách và đức tin.
Được giao phó “chìa khóa Nước Trời,” với quyền “buộc và tháo,” Đức Giáo Hoàng phải phán đoán công bằng, điều hòa công lý với lòng thương xót để cứu rỗi các linh hồn. Ngài cũng được kêu gọi xác nhận các tín hữu trong giáo lý của Giáo Hội, duy trì truyền thống và bảo vệ sự chính thống — những trách nhiệm vừa được đề cập đến xác định sứ mệnh chính của Thánh Phêrô. Ngài phải bảo vệ kho tàng đức tin và, trong khi làm như vậy, duy trì sự hiệp nhất của Giáo Hội.
Một trong những hướng dẫn tốt nhất về phẩm chất của Đức Giáo Hoàng đến từ Thánh Bernard xứ Clairvaux trong một hướng dẫn có tựa đề “Về sự cân nhắc”. Những suy nghĩ của vị tu sĩ Xitô này đã tác động đến các vị Giáo Hoàng trong suốt nhiều thế kỷ, đặc biệt là Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XIV, cai quản Giáo Hội từ 1740 đến 1758. Ngài coi đó là quy tắc để đánh giá sự thánh thiện của một vị Giáo Hoàng. Đức Bênêđíctô đã tóm tắt “lời khuyên vàng” của Thánh Bernard, đưa ra một manh mối tốt về những gì cần tìm kiếm ở các Hồng Y được coi là papabile, như sau:
Đức Giáo Hoàng không nên quá bận tâm vào hoạt động nhưng phải nhớ rằng công việc chính của mình là xây dựng Giáo hội, cầu nguyện và dạy dỗ mọi người.
Trên hết mọi đức tính khác, một Đức Giáo Hoàng phải vun đắp lòng khiêm nhường: “Bạn càng được nâng cao hơn người khác bao nhiêu, thì lòng khiêm nhường của bạn càng phải được thể hiện nhiều hơn nữa.”
Lòng nhiệt thành của một Đức Giáo Hoàng phải liên quan đến sự thánh thiện cá nhân của mình, chứ không phải danh dự thế gian.
Một Đức Giáo Hoàng phải có những người bạn nổi tiếng vì sự tốt lành của họ.
Bởi vì cơ cấu quyền lực dễ tiếp nhận những người tốt hơn là đào tạo ra những người tốt, nên Đức Giáo Hoàng nên cố gắng thăng chức cho những người đã được chứng minh là có đức hạnh.
Khi đối phó với kẻ gian ác, Đức Giáo Hoàng nên quay mặt lại với họ: “Hãy để kẻ không sợ con người, phải sợ tinh thần giận dữ của bạn. Hãy để kẻ khinh thường lời khuyên răn của bạn, phải sợ lời cầu nguyện của bạn.”
Đức Bênêđíctô XIV cũng lưu ý đến đặc điểm thứ bảy, được Công đồng Trentô nhấn mạnh: đó là một Đức Giáo Hoàng phải chọn các Hồng Y từ những người xuất chúng nhất về học vấn và đức hạnh, những người là mục tử tốt và có trình độ cao.
Theo lời thề cổ xưa mà các Đức Giáo Hoàng đã tuyên thệ khi nhậm chức giám mục Rôma, các ngài cũng phải có lòng nhiệt thành trong việc truyền bá Đức tin Công Giáo, khuyến khích và khôi phục kỷ luật tôn giáo, và bảo vệ các quyền của Tòa thánh.
Thánh Robert Bellarmine, tu sĩ dòng Tên thế kỷ 16 và là Tiến sĩ Hội Thánh, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của một vị Giáo Hoàng trong việc có khả năng bổ nhiệm các giám mục tốt, bảo đảm rằng các ngài hoàn thành nhiệm vụ của mình và nếu cần thiết, buộc các ngài phải làm như vậy. Hơn nữa, nhận thức sâu sắc về những gì cần thiết để một người trở thành một vị Giáo Hoàng tốt và thánh thiện, Thánh Robert đã than thở trước một Cơ Mật Viện vào năm 1605 rằng ngài không thể nghĩ ra một ứng cử viên nào phù hợp để trở thành giám mục của Rôma.
“Chúng ta cần nhiều lời cầu nguyện,” ngài viết, “vì tôi không thấy một người nào trong Hồng Y Đoàn sở hữu những phẩm chất cần thiết. Và tệ hơn nữa, không ai quan tâm tìm kiếm một người như vậy. Đối với tôi, có vẻ như đối với Đại diện của Chúa Kitô, chúng ta không tìm kiếm một người biết thánh ý của Chúa, nghĩa là, người thông thạo Thánh kinh; thay vào đó chúng ta đang tìm kiếm chỉ một người biết ý muốn của Đại Đế Giúttinianô và các nhà cầm quyền tương tự khác. Chúng ta đang tìm kiếm một hoàng tử thế tục tốt, chứ không phải một giám mục thánh thiện thực sự dành trọn cuộc đời mình cho lợi ích của các linh hồn.”
Cuối cùng, các Hồng Y đã bầu Đức Hồng Y Camillo Borghese, 52 tuổi, lấy hiệu là Phaolô Đệ Ngũ. Triều Giáo Hoàng của ngài gặp nhiều căng thẳng bởi các cuộc xung đột như Chiến tranh Ba mươi năm, tranh chấp với Galileo Galilei và nạn gia đình trị, nhưng ngài đã có những đóng góp đáng kể cho cảnh quan kiến trúc của Rôma trước khi qua đời ở tuổi 70.
Người ta thường tự hỏi Chúa Thánh Thần can thiệp nhiều đến mức nào vào một Cơ Mật Viện. Đức Hồng Y Joseph Ratzinger giải thích rằng Ngôi Ba của Chúa Ba Ngôi “không thực sự kiểm soát công việc, mà giống như một nhà giáo dục giỏi, để lại cho chúng ta nhiều không gian, nhiều tự do, mà không hoàn toàn từ bỏ chúng ta.”
“Vì vậy, vai trò của Thánh Linh nên được hiểu theo nghĩa linh hoạt hơn nhiều, không phải là Ngài ra lệnh cho người ta phải bỏ phiếu cho ai. Có lẽ lời bảo đảm duy nhất mà Chúa Thánh Thần đưa ra là mọi thứ không thể bị hủy hoại hoàn toàn.” Ngài nói thêm: “Có quá nhiều trường hợp phản chứng về các Giáo Hoàng mà rõ ràng là Thánh Linh sẽ không chọn!”
Nhiều yếu tố khác cũng sẽ quyết định những người mà các Hồng Y cuối cùng lựa chọn, chẳng hạn như tuổi tác, vị trí địa lý, khuynh hướng thần học, kinh nghiệm và sức khỏe cá nhân. Nhưng xét về phẩm chất cá nhân, đây là những phẩm chất, ít nhất là trong lịch sử, đã đóng vai trò là khuôn mẫu để chi phối các lựa chọn của các Hồng Y.
Source:National Catholic Register