
“Bàn thờ của các bạn chính là lớp học của các bạn,” Đức Giáo Hoàng Leo XIV đã nói với một nhóm anh em De La Salle, những người mà ngài đã gặp trong một buổi tiếp kiến riêng vào ngày 15 tháng 5.
Đức Giáo Hoàng đã nhận xét với các thành viên của dòng giảng dạy rằng những người trẻ tuổi luôn là “một ngọn núi lửa của cuộc sống, đầy năng lực, tình cảm và ý tưởng.” Nhưng ngài nói rằng họ cũng cần được giúp đỡ để vượt qua những trở ngại trong quá trình phát triển của họ:
“Hãy nghĩ đến sự cô lập do các mô hình quan hệ tràn lan ngày càng được đánh dấu bằng sự hời hợt, chủ nghĩa cá nhân và sự bất ổn về mặt cảm xúc; sự lan rộng của các khuôn mẫu tư duy bị suy yếu bởi chủ nghĩa tương đối; và sự phổ biến của các nhịp điệu và lối sống trong đó không có đủ chỗ cho việc lắng nghe, suy gẫm và đối thoại, ở trường học, trong gia đình và đôi khi giữa chính những người bạn đồng trang lứa, dẫn đến sự cô đơn”.
Sau đây là bài phát biểu của Đức Giáo Hoàng gửi đến những người có mặt tại buổi tiếp kiến:
Bài phát biểu của Đức Thánh Cha
Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần, bình an cho anh chị em.
Thưa Đức Hồng Y,
Anh chị em thân mến, xin chào mừng!
Tôi rất vui mừng được tiếp đón anh chị em, nhân kỷ niệm 300 năm ngày ban hành Tông sắc In apostolicae Dignitatis solio, trong đó Đức Giáo Hoàng Benedict XIII đã phê chuẩn Viện của anh chị em và Quy chế của anh chị em (ngày 26 tháng 1 năm 1725). Sự kiện này cũng trùng với kỷ niệm 75 năm ngày Đức Giáo Hoàng Piô XII tuyên bố Thánh Gioan Baotixita de La Salle là “Đấng bảo trợ trên trời của tất cả các nhà giáo dục” (xem Tông thư Quod ait, ngày 15 tháng 5 năm 1950: AAS 12, 1950, 631-632).
Sau ba thế kỷ, thật tốt khi thấy sự hiện diện của anh chị em vẫn tiếp tục mang đến sự tươi mới của một thực thể giáo dục phong phú và rộng lớn, nơi mà ở nhiều nơi trên thế giới, anh chị em vẫn tận tụy với việc đào tạo thế hệ trẻ với lòng nhiệt thành, lòng trung thành và tinh thần hy sinh.
Chính trong bối cảnh của lễ kỷ niệm này, tôi muốn dừng lại và cùng anh chị em suy gẫm về hai khía cạnh trong lịch sử của anh chị em mà tôi cho là quan trọng đối với tất cả chúng ta: sự chú ý đến các biến cố đương thời và chiều kích thừa tác và truyền giáo của việc giảng dạy trong cộng đồng.
Những khởi đầu trong công việc của anh chị em nói lên rất nhiều điều về “các biến cố đương thời”. Thánh Gioan Baotixita de La Salle bắt đầu bằng cách đáp lại lời yêu cầu giúp đỡ của một giáo dân, Adriano Nyel, người đang đấu tranh để duy trì “trường học của người nghèo” của ngài. Người sáng lập của anh chị em đã nhận ra trong lời cầu xin giúp đỡ của ngài một dấu hiệu của Thiên Chúa; ngài đã chấp nhận thử thách và bắt tay vào làm việc. Vì vậy, vượt ra ngoài ý định và kỳ vọng của riêng mình, ngài đã mang đến một hệ thống giảng dạy mới: hệ thống Trường học Ki-tô giáo, miễn phí và mở cửa cho tất cả mọi người. Trong số các yếu tố đổi mới mà ngài đưa ra trong cuộc cách mạng sư phạm này có việc giảng dạy theo lớp chứ không còn là giảng dạy cho từng học sinh nữa; thay vì tiếng Latinh, ngài đã sử dụng tiếng Pháp làm ngôn ngữ giảng dạy, ngôn ngữ mà tất cả mọi người đều có thể tiếp cận; các bài học Chúa Nhật, trong đó ngay cả những người trẻ tuổi buộc phải làm việc vào các ngày trong tuần cũng có thể tham gia; và sự tham gia của các gia đình vào chương trình giảng dạy của trường, theo nguyên tắc “tam giác giáo dục”, vẫn còn hiệu lực cho đến ngày nay. Vì vậy, các vấn đề khi nảy sinh, thay vì làm nản lòng ngài, đã thúc đẩy ngài tìm kiếm những câu trả lời sáng tạo và mạo hiểm vào những con đường mới và thường chưa được khám phá.
Tất cả những điều này chỉ có thể khiến chúng ta suy nghĩ, và nó cũng đặt ra những câu hỏi hữu ích. Trong thế giới của giới trẻ ngày nay, những thách thức cấp bách nhất cần phải đối mặt là gì? Những giá trị nào cần được cổ vũ? Những nguồn lực nào có thể được trông cậy?
Những người trẻ tuổi của thời đại chúng ta, giống như những người ở mọi lứa tuổi, là một ngọn núi lửa của sự sống, đầy năng lực, tình cảm và ý tưởng. Có thể thấy điều đó từ những điều tuyệt vời mà họ có thể làm, trong rất nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, họ cũng cần sự giúp đỡ để khối tài sản lớn này phát triển hài hòa và vượt qua những gì, mặc dù theo cách khác với quá khứ, vẫn có thể cản trở sự phát triển lành mạnh của họ.
Ví dụ, trong khi vào thế kỷ XVII, việc sử dụng tiếng Latinh là rào cản không thể vượt qua đối với việc thông đạt của nhiều người, thì ngày nay, có những trở ngại khác cần phải đối đầu. Hãy nghĩ đến sự cô lập do các mô hình quan hệ tràn lan ngày càng được đánh dấu bằng sự hời hợt, chủ nghĩa cá nhân và sự bất ổn về cảm xúc; sự lan truyền của các mô hình tư duy bị suy yếu bởi chủ nghĩa tương đối; và sự phổ biến của nhịp điệu và lối sống trong đó không có đủ chỗ cho việc lắng nghe, suy gẫm và đối thoại, ở trường học, trong gia đình và đôi khi giữa chính những người bạn đồng trang lứa, dẫn đến sự cô đơn.
Đây là những thách thức đòi hỏi cao, nhưng chúng ta cũng có thể biến chúng thành bàn đạp để khám phá các cách thức, phát triển các công cụ và áp dụng các ngôn ngữ mới để tiếp tục chạm đến trái tim của học sinh, giúp đỡ các em và thúc đẩy các em đối diện với mọi trở ngại với lòng can đảm để cống hiến hết mình trong cuộc sống, theo kế hoạch của Thiên Chúa. Theo nghĩa này, sự chú ý mà anh chị em dành cho trường học của mình, cho việc đào tạo giáo viên và cho việc tạo ra các cộng đồng giáo dục trong đó nỗ lực giảng dạy được làm phong phú thêm bởi sự đóng góp của mọi người là điều đáng khen ngợi. Tôi khuyến khích anh chị em tiếp tục trên những con đường này.
Nhưng tôi muốn chỉ ra một khía cạnh khác của thực tại Lasan mà tôi cho là quan trọng: việc giảng dạy được sống như một thừa tác vụ và sứ mệnh, như sự thánh hiến trong Giáo hội. Thánh Gioan Baotixita de La San không muốn có linh mục trong số các giáo viên của các Trường Kitô giáo, mà chỉ có “những người anh em”, để mọi nỗ lực của anh chị em, với sự giúp đỡ của Chúa, đều hướng đến việc giáo dục học sinh. Ngài thích nói: “Bàn thờ của anh chị em là ngai tòa”, qua đó thúc đẩy một thực tại cho đến nay vẫn chưa được biết đến trong Giáo hội thời của ngài: đó là giáo viên và giáo lý viên giáo dân, được trao cho cộng đồng một “thừa tác vụ” chân chính, theo nguyên tắc truyền giáo bằng cách giáo dục, và giáo dục bằng cách truyền giáo (xem Đức Phanxicô, Diễn văn gửi đến những người tham dự Tổng hội của các Anh em Trường Kitô giáo, ngày 21 tháng 5 năm 2022).
Theo cách này, đặc sủng của trường học, mà anh chị em chấp nhận với lời khấn thứ tư về giảng dạy, ngoài việc phục vụ xã hội và là một công việc bác ái có giá trị, ngày nay vẫn xuất hiện như một trong những biểu thức đẹp đẽ và hùng hồn nhất của nhiệm vụ tư tế, tiên tri và vương giả mà tất cả chúng ta đã nhận được trong Bí tích Rửa tội, như đã nêu bật trong các văn kiện của Công đồng Vatican II. Do đó, trong các đơn vị giáo dục của anh chị em, các anh em tu sĩ làm cho chức thánh rửa tội trở nên hữu hình một cách tiên tri, thông qua việc thánh hiến của họ, thúc đẩy mọi người (x. Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 44), mỗi người theo vị thế và nhiệm vụ của mình, không có sự khác biệt, “như những thành viên sống động, dành toàn bộ năng lực của mình cho sự phát triển của Giáo hội và sự thánh hóa liên tục của Giáo hội” (ivi., 33).
Vì lý do này, tôi hy vọng rằng ơn gọi thánh hiến tu sĩ La San có thể phát triển, rằng chúng có thể được khuyến khích và thúc đẩy, trong các trường học của anh chị em và bên ngoài các trường học, và rằng, cùng với tất cả các thành phần đào tạo khác, chúng có thể góp phần truyền cảm hứng cho những con đường thánh thiện vui tươi và hiệu quả trong số những người trẻ theo học tại các trường học đó.
Cảm ơn những gì anh chị em đã làm! Tôi cầu nguyện cho anh chị em và ban cho anh chị em Phép lành Tòa thánh, mà tôi vui mừng ban cho toàn thể Gia đình Lasan.