Thomas Joseph White, trên First Things ngày 13 tháng 5 năm 2025, nhận định: Chúng ta vẫn đang trong những ngày đầu của triều đại giáo hoàng Leo XIV. Không ai tiên đoán về tương lai của triều đại giáo hoàng của ngài hiện nay có thể biết chắc chắn điều gì sẽ xảy ra. Đó sẽ là quyết định của ngài và những người cộng sự. Tuy nhiên, mỗi triều đại giáo hoàng đều mang theo một trí tưởng tượng văn hóa mới, một trí tưởng tượng xây dựng dựa trên tấm gương của những người tiền nhiệm, nhưng cũng đổi mới. Quan trọng hơn, mỗi triều đại giáo hoàng đều gắn liền với sự hợp tác của các tín hữu tham gia vào sứ mệnh của triều đại và được thống nhất bởi những lý tưởng chung. Vì vậy, mặc dù vẫn còn sớm, nhưng đây cũng là thời điểm thích hợp để đánh giá một số nguyện vọng ban đầu được thể hiện của triều đại giáo hoàng này, và một số khả thể hàm ngụ ở chỗ nó nhắc nhắc đến Đức Leo XIII và thông điệp Rerum Novarum nói riêng.

Trong những năm gần đây, Giáo Hội Công Giáo đã trải qua ba triều đại giáo hoàng, đó là triều đại của các vị giáo hoàng Thánh Gioan Phaolô II, Đức Benedict XVI và Đức Phanxicô. Mỗi vị đều có phong cách riêng, ảnh hưởng tâm linh to lớn đến văn hóa nhân bản và những hạn chế không thể tránh khỏi của con người, những điều vừa kể là dấu hiệu lâu dài, trong lòng thương xót của Chúa, rằng ngư phủ đơn thuần được Chúa Kitô chọn không phải là chính Chúa Kitô. Sự ổn định trong ngôi vị giáo hoàng qua thời gian không phụ thuộc vào sức mạnh của con người mà là một hồng ơn của Thiên Chúa từ trên cao. Nó mời gọi chúng ta nhận ra ở Phêrô nguyên tắc thống nhất giáo lý và tiêu chuẩn hiệp thông phổ quát được xây dựng trong tình yêu đích thực. Vị Giáo hoàng cũng liên quan đến bản chất truyền giáo của Giáo hội. Phêrô và Phaolô đều là tông đồ của các dân tộc, được sai đi một cách thương xót đến với tất cả mọi người—kể cả những người đau khổ, những người bất lực, những người xa lánh và những người bối rối. Vai trò của Phêrô là rao giảng tin mừng một cách không sợ hãi và mở toang cánh cửa của lòng thương xót, để tất cả mọi người đều gặp gỡ Chúa Kitô.
Nhiệm thể
Điều đầu tiên gây ấn tượng về triều đại giáo hoàng của Đức Leo XIV là ngài nhận thức rõ ràng thách thức và cơ hội nằm trong sự kế thừa của các giáo hoàng gần đây. Ngài là người kế nhiệm rõ ràng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, nhưng ngài cũng ý thức được những đóng góp của các vị giáo hoàng tiền nhiệm, hiểu từng người, và do đó hiểu cả chính ngài, trong khuôn khổ của mầu nhiệm Giáo hội. Tìm thấy sự hiệp nhất của chúng ta như một trong Chúa Kitô—như phương châm Augustinô của giáo hoàng In Illo uno unum gợi ý—là tìm thấy sự hiệp nhất của chúng ta như thân thể huyền nhiệm của Chúa Kitô. Thánh Augustinô đã nhận xét một cách nổi tiếng rằng tất cả chúng ta đều là chi thể của Chúa Kitô nhờ ân sủng của phép rửa tội, và do đó, bằng cách đào sâu cuộc sống chung của chúng ta trong Chúa Kitô, chúng ta sẽ nhận ra sự hiệp nhất đích thực của chúng ta như thân thể huyền nhiệm của Người. Bằng cách kêu gọi lời dạy của các giáo hoàng tiền nhiệm dưới ánh sáng của phương châm Augustinô này, vị giáo hoàng mới của chúng ta rõ ràng đang gợi ý rằng chúng ta cùng nhau bước đi qua thời gian dưới sự bảo trợ của Chúa Kitô. Nói cách khác, Giáo hội là một mầu nhiệm lấy Chúa Kitô làm trung tâm. Những căng thẳng với Giáo Hội Công Giáo và giữa những người ủng hộ các triều đại giáo hoàng khác nhau có thể được giải quyết bằng cách suy gẫm sâu sắc hơn về các đường nét khách quan của cuộc sống chung của chúng ta trong Chúa Kitô, và bằng cách chúng ta chủ quan tiếp thu và hoán cải theo sự hiện diện và mầu nhiệm của Người. Tóm lại, tất cả đều cần phải hoán cải.
Có lẽ có điều gì đó cần học hỏi từ mỗi triều đại giáo hoàng, trong quá trình tìm kiếm sự hiệp nhất toàn diện hơn: từ Thánh Gioan Phaolô II, chứng nhân truyền giáo của ngài về giáo lý và thực hành đức tin Công Giáo, theo những cách thức cấp tiến và đôi khi phản văn hóa khi đối diện với một thế giới tục hóa; từ Đức Benedict, việc tìm kiếm một đời sống phụng vụ sâu sắc hơn trong Giáo hội và cam kết của ngài đối với nền học giả và suy tư thần học; từ Đức Phanicô, thông điệp về lòng thương xót phổ quát, sự đoàn kết cụ thể và định hướng chính sách của ngài với người nghèo, sự tham vấn của ngài với các tín hữu và sự tiếp cận của ngài với những người trước đây xa lánh khỏi phẩm trật của Giáo hội. Không nghi ngờ gì nữa, hiện nay có điều gì đó mới mẻ đang xuất hiện, nhưng chúng ta có điều gì đó cần học hỏi từ tất cả những chứng nhân vĩ đại trước đây của đức tin Công Giáo. Điều tôi muốn gợi ý là một sự hiệp nhất Công Giáo sâu sắc hơn thực sự có thể, một sự hiệp nhất mà chúng ta được yêu cầu tìm kiếm ngay bây giờ theo một cách mới, vượt qua các xung đột ý thức hệ của con người và chính trị giáo hội. Thân thể huyền nhiệm của Chúa Kitô có thể có một bên trái và một bên phải, nhưng nó cũng có một trung tâm, nằm ở vị trí quan trọng trong đầu và trái tim—mang lại sự sống cho toàn thể tích hợp. Nếu chúng ta xác định được trung tâm đó, chúng ta có thể là một trong Chúa Kitô, trong giáo huấn của Người và trong việc thực hành bác ái và lòng thương xót phổ quát. Tôi cho rằng Đức Giáo Hoàng Leo XIV sẽ cố gắng theo đuổi con đường này.
Đây là con đường mà các thành viên của Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Kỳ có thể làm tốt để hỗ trợ và vun đắp. Giáo hội tại Hoa Kỳ vẫn khỏe mạnh và sống động, bất chấp những thách thức nghiêm trọng trong những thập niên gần đây. Bằng cách thúc đẩy sự tiếp nhận toàn diện hơn đối với toàn bộ giáo huấn về huấn quyền đối với mọi vấn đề, người Công Giáo (ở Hoa Kỳ và những nơi khác) có thể phục vụ tốt hơn cho sứ mệnh của triều đại giáo hoàng này. Ở đây tôi muốn đề cập đến những vấn đề liên quan đến đời sống tâm linh và bí tích nội tâm, và việc vun đắp các nhân đức trí thức (học vấn và giáo dục Công Giáo đích thực), và do đó không chỉ là các nguyên tắc và chính sách chính trị. Tuy nhiên, tôi cũng muốn đề cập đến các vấn đề chính trị: đến sự thật cơ bản về bản chất của con người; sự tôn trọng phẩm giá của sự sống từ khi thụ thai đến khi chết tự nhiên; nhân đức ôn hòa đối với tất cả mọi người và nhu cầu thương xót đối với tất cả mọi người liên quan đến những thiếu sót của họ trong lĩnh vực này; vai trò của công lý xã hội và các chính sách ưu tiên cho những người dễ bị tổn thương nhất, điều này bắt buộc phải đối xử công bằng và từ thiện với những người nhập cư và những người ở mọi quốc gia đang phải chịu cảnh nghèo đói, thiếu giáo dục hoặc bị đàn áp vì tín ngưỡng tôn giáo của họ. Đừng tuân theo lối suy nghĩ của thế gian, nhưng hãy có trong mình tâm trí của Chúa Kitô. Điều gì sẽ xẩy ra nếu tâm trí của Chúa Kitô nắm giữ sâu sắc hơn Giáo hội trong thời đại sắp tới? Điều này sẽ liên quan đến mỗi người chúng ta và đoàn kết chúng ta sâu sắc hơn trong một sứ mệnh chung về lòng thương xót, truyền giáo và trung thành với sự thật.
Rerum Novarum—Những điều mới mẻ
Đức Giáo Hoàng Leo XIII đã công bố thông điệp mang tính bước ngoặt Rerum Novarum vào năm 1891, chỉ hai mươi lăm năm trước khi nổ ra cuộc Cách mạng Cộng sản năm 1917, cuộc cách mạng sẽ đánh dấu thế giới hiện đại một cách không thể thay đổi. Trong văn kiện đó, ngài đã tìm cách chỉ ra một con đường trung dung giữa hai thái cực. Một mặt, Đức Leo đã phản ứng với những thay đổi mới và mang tính cách mạng xuất hiện từ sự ra đời của chủ nghĩa tư bản công nghiệp. Chống lại các hoạt động bóc lột của các nhà công nghiệp ưu tú, Đức Leo đã tìm cách nhấn mạnh quyền của người lao động đối với giờ làm việc hợp lý, mức lương công bằng, tự tổ chức và tiếp cận với nhiều loại sự thiện nhân bản mà nhà nước nên bảo vệ và thúc đẩy một cách nào đó. Ở đây, chúng ta có thể nghĩ đến những những sự thiện như pháp quyền công bằng, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, tự do ngôn luận chính trị và tự do tôn giáo, tất cả những sự thiện mà giáo quyền đã nhấn mạnh trong một trăm năm mươi năm kể từ thời điểm ban hành Rerum Novarum. Mặt khác, Đức Leo đã phản ứng với sự xuất hiện của "chủ nghĩa xã hội" thế tục, như ngài gọi nó, sẽ tìm cách phủ nhận quyền sở hữu tư nhân, xóa bỏ vai trò của tôn giáo trong đời sống công cộng và tuyên bố thẩm quyền để định nghĩa lại gia đình con người tự nhiên (đặc biệt là thông qua luật ly hôn mới, trên thực tế cho thấy rằng Giáo hội không thể công khai xác định hoặc định nghĩa hôn nhân tự nhiên hay hôn nhân bí tích là gì). Ở đây, về cơ bản, ngài muốn tìm cách đối đầu với sự tuyệt đối hóa về mặt lý thuyết của nhà nước như một thẩm quyền tối cao trong mọi vấn đề của con người.
Không cần phải nói, đây là những xem xét kịp thời. Ngày nay, Giáo hội đang đối diện với một kỷ nguyên mới của sự hỗn loạn chính trị và thay đổi công nghệ. Chúng ta có lý do để lo sợ về việc tạo ra một trật tự thế giới thế tục không có tôn giáo, nơi những người có ảnh hưởng nhất coi thường các tín ngưỡng tôn giáo và thậm chí chế giễu đức tin Cơ đốc. Có rất nhiều ví dụ thực tế. Chúng ta cũng có lý do để lo sợ về sự xuất hiện của các hình thức chủ nghĩa dân tộc mới bị bóp méo, hoặc là các hình thức thay thế cho tôn giáo, hoặc thậm chí nguy hiểm hơn là một thứ gì đó liên minh với tôn giáo trong các tham vọng chính trị của nó. Xung đột ngày nay ở Ukraine, Israel, Pakistan và Ấn Độ khiến chúng ta cảnh giác về cách mà những người theo Kitô giáo, theo Hồi giáo và theo Do Thái giáo có thể phớt lờ các giáo lý của niềm tin tôn giáo của họ hoặc công khai sử dụng chúng để theo đuổi các mục đích chính trị. Công nghệ hiện đại đang tạo ra những khả năng mới về phân cực tư tưởng, giám sát của nhà nước và vũ khí chết người, điều này sẽ gây ra mối quan ngại.
Trong bối cảnh này, điều đáng chú ý là Đức Leo XIII nhắc chúng ta nhớ đến ba xã hội (gia đình, nhà nước và Giáo hội) vốn phải sinh lợi cho nhau, mỗi xã hội đều đề cập đến con người trong phẩm giá tự nhiên của họ. Đầu tiên, Đức Leo lưu ý trong Rerum Novarum rằng nhà nước giả định thực tại gia đình, vì mọi công dân đều bắt đầu cuộc sống như một đứa trẻ được sinh ra và được cha mẹ nuôi dưỡng. Do đó, nếu không có gia đình thì không có nhà nước, và vai trò của cha mẹ trong việc giáo dục con cái là vô giá đối với lợi ích chung, mà cha mẹ đóng góp bằng chính cách sống của họ. Tương tự như vậy, cha mẹ có quyền tự nhiên để giáo dục con cái của họ, và điều này bao gồm quyền được giáo dục tôn giáo, qua đó con người tự giới thiệu mình vượt ra ngoài nhà nước, hướng tới việc tìm kiếm chân lý và mầu nhiệm siêu việt của Thiên Chúa. Quan điểm giáo dục này, khi được thực hiện đúng đắn, là sự bảo vệ lớn nhất chống lại chủ nghĩa dân túy và hệ tư tưởng chính trị. Nó làm cho đời sống chính trị liên quan đến một tiếng gọi cao hơn là tìm kiếm chân lý trong mọi sự và tuân thủ nó khi chúng ta tìm thấy nó, bất kể điều này có thuận lợi về mặt chính trị hay không.
Tương tự như vậy, Đức Leo nói về lợi ích chung của Giáo hội, nơi có niềm vui và gánh nặng nói rõ với thế giới—bao gồm tất cả các thành viên của cộng đồng chính trị—chân lý về Thiên Chúa và mầu nhiệm của Chúa Kitô. Sứ mệnh này của Giáo hội bao gồm việc giảng dạy luật tự nhiên: nói rõ rằng con người cuối cùng được tạo ra cho Thiên Chúa, và phẩm giá của họ không thể bị giản lược hoặc được xác định bởi nhà nước hoặc lòng trung thành của họ đối với một đảng phái chính trị hoặc quốc gia nhất định, bất kể bản sắc dân tộc có vẻ quan trọng như thế nào. Nếu nhà nước coi gia đình là nền tảng của mình, thì nó sẽ hướng tới tính tôn giáo bằng cách bảo vệ quyền tự do của Giáo hội và quyền tự do tôn giáo tự nhiên cho công dân của mình. Nó không có nghĩa là trở thành một tôn giáo riêng biệt hay là trọng tài cuối cùng về ý nghĩa của con người.
Tuy nhiên, Đức Leo cũng nhấn mạnh vai trò không thể thay thế của nhà nước cũng như tầm quan trọng không thể giảm thiểu của chính quyền dân sự, mà Giáo hội không thể thay thế. Đức Leo XIII không phải là một nhà thần quyền. Những người tham gia vào chính quyền dân sự có trách nhiệm xác định cách thức người dân tập thể của một quốc gia nhất định nên tự tổ chức ra sao để mỗi người cùng phát triển. Do đó, các nhà lãnh đạo dân sự và những người trong phạm vi ảnh hưởng của giới tinh hoa (bao gồm cả những người cực kỳ giàu có) có nghĩa vụ phục vụ lợi ích của những người kém thành đạt hoặc ít quyền lực hơn. Họ cũng có nghĩa vụ phải tham chiếu đến các nguyên tắc về bản chất con người và phẩm giá con người mang tính phổ quát, để mọi người đều được đối xử theo một tiêu chuẩn công bằng và hợp lý, tất cả đều có những nẻo đường để tiến bộ và tất cả đều được công nhận là những con người được tạo ra theo hình ảnh Thiên Chúa. Nếu không có tiêu chuẩn như vậy, sẽ không có sự đổi mới của chính quyền dân sự và không có thước đo nào về hành động công bằng pháp lý.

Ngày nay, Giáo hội thường phải lèo lái giữa các thái cực. Một mặt, chúng ta thấy một khái niệm xây dựng để xây dựng về lý thuyết pháp lý, trong đó các xã hội được cho là tạo ra luật pháp của họ chỉ như các sản phẩm của mong muốn chủ quan, ý chí tập thể của người dân. Mặt khác, chúng ta thấy một chủ nghĩa chuyên chế mới của nhà nước, trong đó các quốc gia có những nhà lãnh đạo quyền lực (cả tôn giáo và không tôn giáo) nắm giữ các đặc quyền để định hình việc thực thi luật pháp và tự do cho người dân của họ theo những cách thức tập quyền cao độ, thường là tùy tiện hoặc có vấn đề. Sự hợp thời của việc hồi sinh mang tính Leo là rõ ràng trong bối cảnh này: để nhắc lại ba xã hội và nền tảng của chúng trong một tầm nhìn cổ điển và lâu đời về bản chất con người. Con người, nhờ bản chất lý trí của mình, được tạo ra theo hình ảnh Thiên Chúa, có một phẩm giá không thể giản lược thành những đường nét đơn thuần của nhà nước và phạm vi nội tại của đời sống chính trị và lịch sử thời gian. Họ có một số phận vĩnh cửu. Đây không phải là một chân lý ngẫu nhiên hay tùy chọn đối với các chính trị gia loài người. Trên thực tế, đây là điều duy nhất cần hiểu nếu chúng ta muốn cai trị các cá nhân và gia đình loài người một cách công bằng: Họ được tạo ra vì chân lý, và do đó họ có trách nhiệm tìm kiếm chân lý về Thiên Chúa, con người và nhà nước, và hành động theo ánh sáng của chân lý này, một chân lý không thể bị áp đặt cho họ bởi ý thích nhất thời của các nhà lãnh đạo, phương tiện truyền thông xã hội và thuật toán, hoặc bởi các kiểu mẫu ý thức hệ của giới tinh hoa thế tục. Trên thực tế, việc mời gọi tất cả mọi người xem xét lại mục đích cuối cùng của chúng ta: hiểu biết về chân lý và theo đuổi tình yêu đích thực là một điều nhân từ. Tình yêu dành cho Thiên Chúa giải thoát chúng ta, và cũng mở rộng trái tim chúng ta để mở lòng ra bên ngoài với nhu cầu của tất cả mọi người.
Giáo hội Đức tin và Lý trí cũng là Giáo hội của những người yếu thế nhất
Tuy nhiên, đặc biệt hơn, Giáo hội phải vươn tới tất cả những người yếu thế nhất và không thể lên tiếng trước các thế lực của thế giới. Đức Leo XIII đã tìm cách lên tiếng thay cho các gia đình công nhân không thể chống lại các hình thức bóc lột bất thường bắt nguồn từ Cách mạng Công nghiệp. Trong thời đại toàn cầu phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, Giáo hội là tiếng nói không thể thay thế cho những dân tộc và quốc gia dễ dàng trở thành nạn nhân của sự bất bình đẳng xuất hiện giữa các quốc gia. Một xem xét quan trọng ở đây liên quan trực tiếp đến sự tiến bộ kinh tế là giáo dục. Đức Leo XIII đã làm rất nhiều để thúc đẩy giáo dục cho các dân tộc, không chỉ trong lĩnh vực thần học và triết học, mà còn trong mọi hình thức giáo dục trung học và đại học sẽ thúc đẩy và trao quyền cho một nền văn minh thịnh vượng của con người.
Nổi tiếng về vấn đề này, Đức Leo đã tìm cách khôi phục việc nghiên cứu các nguồn thần học cổ điển, đặc biệt là tư tưởng của Thánh Tỏma Aquinô nhưng cũng như các học giả khác, và tất nhiên, nghiên cứu của Thánh Augustinô thành Hippo. Thật là một sai lầm nghiêm trọng về mặt lịch sử khi nghĩ rằng khía cạnh này trong tư tưởng của ngài có thể tách biệt khỏi tư tưởng xã hội và chính trị của ngài. Trường hợp ngược lại mới đúng. Đối với Đức Leo, sự hồi sinh của chủ nghĩa kinh viện trong thế giới hiện đại là về sự hòa hợp sâu sắc giữa sự mặc khải thiêng liêng và lý trí tự nhiên (cả triết học và khoa học), nhưng nó cũng là về sự trao quyền chính trị. Bằng cách cung cấp cho mọi người kiến thức thực sự về các nguyên tắc của phẩm giá con người và bằng cách chỉ ra cách các nguyên tắc này liên quan đến các ngành học khác như khoa học tự nhiên, người ta thúc đẩy quyền tự chủ cá nhân lớn hơn cho mọi người và khả năng tiếp cận khả thi về kinh tế lớn hơn. Đức Leo XIII có công trong việc thành lập một làn sóng các trường đại học Công Giáo ở Châu Mỹ cũng như ở Châu Âu, và ngài đã tiên tri khi coi giáo dục là thứ có liên quan sâu sắc đến sự phát triển toàn diện của con người. Công trình của Đức Giáo Hoàng Leo XIV ở Peru là một ví dụ về một người đã tận dụng nền giáo dục của mình tại Đại học Villanova và từ Dòng Augustinô, cũng như nền giáo dục của ngài tại Angelicum, để thúc đẩy lợi ích của người khác, phù hợp với truyền thống phục vụ truyền giáo này.
Tái bút Augustinô
Bên cạnh Đức Leo XIII, chúng ta cũng nên nhắc đến Thánh Giáo hoàng Leo I, được gọi một cách khéo léo là Đức Leo Cả. Bản thân nhân vật lịch sử này cũng là một môn đệ của Thánh Augustinô thành Hippo, người đã đưa thần học của Thánh Augustinô vào tầm ảnh hưởng rộng rãi hơn thông qua triều đại giáo hoàng của mình, được đặc trưng bởi sự rao giảng thần học sâu sắc và giáo huấn xã hội. Như đã biết, Thánh Augustinô, trên trang đầu tiên của Cuốn Tư Thú, đã mô tả trái tim bồn chồn của con người không thể nghỉ ngơi ở bất cứ điều gì khác ngoài Thiên Chúa. Trong Kinh thành Thiên Chúa, ngài cũng giải thích cách Giáo hội được thúc đẩy tập thể bởi những rung động bên trong của đức ái thần linh tràn ngập trái tim của các tín hữu. Vì lý do này, họ không thể nghỉ ngơi trên trái đất này hoặc chỉ tìm thấy ngôi nhà của mình trong thời gian, mà phải luôn tiến về phía trước đến thành phố thiên đàng của Thiên Chúa, hướng đến việc chiêm ngắm Thiên Chúa. Theo cùng thước đo này, Thánh Augustinô lưu ý, Giáo hội trên thế giới này không thể bị giới hạn trong một cuộc sống chỉ được xác định bởi các thế lực chính trị và các vị thần của nhà nước La Mã. Chỉ khi nhìn thấy điều này, người ta mới có thể tìm thấy sự nghỉ ngơi và bình an thực sự trong Thiên Chúa, và cũng có thể tìm thấy quan điểm chính trị thực sự. Đức Leo Cả đã hiểu điều này và đưa quan điểm này vào ngôi vị giáo hoàng. Ngài đã đứng trước Atilla the Hun vào năm 452 để ngăn chặn sự hủy diệt của người dân La Mã bằng ngoại giao dân sự. Nhờ tình yêu của Thiên Chúa, ngài đã chiến thắng.
Cầu mong Đức Leo XIV, người thuộc dòng Thánh Augustinô, được Thánh Thần của Thiên Chúa trao quyền để nói với những trái tim bất an của thời đại hiện đại chúng ta, và cầu mong ngài tìm thấy nguồn cảm hứng từ cả hai vị tiền bối Leo này để đối diện với các thế lực lớn của thời đại chúng ta bằng những lời của Chúa Kitô phục sinh có liên quan chính trị vô song, ngay cả trong thời đại của chúng ta: "Bình an cho anh em". Và dù ngài có hoàn thành trách nhiệm của thừa tác vụ Phêrô thay mặt cho Giáo hội như thế nào, thì chúng ta, những chi thể trung thành của Chúa Kitô, mong rằng chúng ta tìm được cách cộng tác với ngài và cùng nhau tìm kiếm, trong thân thể huyền nhiệm là Giáo hội, một sự hồi sinh đích thực theo tinh thần của Đức Giáo Hoàng, vì lợi ích của tất cả mọi người và như một biểu tượng của sự bình an mà chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban tặng.