Mật Nghị bầu tân Giáo Hoàng bắt đầu vào ngày 07.5.2025

Sau nghi thức an táng của ĐGH Phanxicô đã hoàn tất tại đền thờ Đức Bà Cả vào thứ bẩy, 26.4.2025, thì Tòa Thánh Vatican đã ấn định Mật Nghị bầu tân Giáo Hoàng sẽ bắt đầu vào thứ tư, ngày 07.5.2025.

Từ thời gian này tất cả Giáo Hội Công Giáo và thế giới hiện tại đều dõi mắt hướng về Vatican và mọi sự chú ý đều đổ dồn vào việc bầu chọn vị kế nhiệm ĐGH Phanxicô.

Các Hồng Y cử tri cho biết họ đã ấn định ngày này trong cuộc họp kín lần đầu tiên sau tang lễ của ĐGH Phanxicô. Chỉ trong hơn một tuần nữa, các Hồng Y đủ điều kiện bỏ phiếu (dưới 80 tuổi) từ khắp nơi trên thế giới sẽ trở lại Tòa Thánh Vatican và tập họp trong Nhà Nguyện Sixtine để cầu nguyện, bỏ phiếu - gọi là Mật Nghị (Conklave) cho đến khi bầu ra được vị Giáo Hoàng mới cho Giáo Hội Công Giáo. Nên nhắc lại, vào năm 2005 mật nghị bầu được GH Bênêđictô XVI và năm 2013 bầu GH Phanxicô, thì cả hai lần Mật Nghị này đều kéo dài chỉ có hai ngày. Khi họp Mật Nghị bầu tân Giáo Hoàng mọi liên lạc với thế giới bên ngoài bị nghiêm cấm trong thời gian này. Chắc chắn trong thời đại Internet thì Tòa Thánh sẽ có biện pháp loại bỏ triệt để tất cả điện thoại di động của từng Hồng Y. Và rong thời gian họp Mật Nghị thì tất cả HY sẽ cư trú trong nội thành Vatican gọi là nhà Domus Sanctae Marthae.

Có bao nhiêu Hồng Y được tham dự?

Tất cả các Hồng Y chưa đến 80 tuổi vào thời điểm Đức Giáo Hoàng Phanxicô qua đời đều đủ điều kiện bỏ phiếu. Trong số 252 Hồng Y hiện tại thì có 135 Hồng Y hợp với điều kiện này để bầu Giáo Hoàng. Tuy nhiên chúng ta vẫn chưa rõ có bao nhiêu người trong số họ thực sự sẽ tham gia, ngoại trừ bệnh tật thì hầu như ai cũng không muốn vuột mất cơ hội tham dự bầu Giáo Hoàng trong một đời người làm Hồng Y. Như thế 117 vị Hồng Y trong Giáo Hội trên 80 tuổi, trong đó có HY Phêrô Nguyễn Văn Nhơn (TGP Hà Nội, SN 1938) và HY Gioan B. Phạm Minh Mẫn (TGP Sài Gòn, SN 1934) đã quá giới hạn tuổi tham dự Mật Nghị bầu Giáo Hoàng.

Trong Giáo Hội Công Giáo các Châu Lục được tính số 135 HY dưới 80 tuổi như sau: 53 HY của Âu Châu, 23 của Á Châu, 17 của Châu Mỹ Latinh, 20 của Châu Mỹ, 18 của Châu Phi và 4 của Ozeanien. Có vài HY mà trong họ chưa hề quen biết nhau, ví dụ như HY Anders Arborelius của Thụy Điển vừa cho báo chí biết là các quốc gia mới có HY đầu tiên như Myanmar, Haiti và Ruanda thì ĐHY Arborelius chưa hề gặp mặt họ. Trong số 135 HY hiện tại dưới 80 tuổi thì có 22 vị HY đã được tấn phong bởi ĐGH Bênêđictô XVI và 5 HY bởi ĐGH Gioan Phaolô II.

Vị Hồng Y được chọn trong Mật Nghị bầu Giáo Hoàng 2025 sẽ là Giáo Hoàng thứ 267 của GH Công Giáo và là người đứng đầu 1,4 tỷ người Công Giáo trên toàn thế giới.

Bằng lá phiếu của mình, 135 Hồng Y không chỉ quyết định về vị lãnh đạo tôn giáo của người Công Giáo - thường được gọi là đấng kế vị Thánh Phêrô Tông Đồ, mà còn quyết định cả đường hướng của Giáo Hội. Có những Hồng Y đã bày tỏ mong muốn tiếp tục sự tập trung của Đức GH Phanxicô vào những người nghèo sống bên lề xã hội và vì công lý xã hội. Nhưng trong số những Hồng Y bảo thủ, một số muốn đưa Giáo Hội trở lại phù hợp hơn với những giáo lý cốt lõi căn bản vốn đã có dưới thời các Giáo Hoàng trước là Gioan Phaolô II và Bênêđictô XVI làm trọng tâm.

Chuyện gì sẽ xảy ra trước Mật Nghị bầu Giáo Hoàng?

Trong thời kỳ "Trống Tòa" (Sedis vacantia), Hồng Y đoàn tạm thời đảm nhiệm việc điều hành Giáo Hội hoàn vũ, nhưng không đưa ra bất kỳ một quyết định cơ bản nào về luật giáo luật.

Cho đến khi cuộc bầu cử Giáo Hoàng bắt đầu, các đại diện của Giáo Hội sẽ ở trong thời khắc gọi là "Tiền Mật Nghị" - khoảng thời gian giữa thông báo chính thức về cái chết của Giáo Hoàng và Mật Nghị. Giai đoạn này kéo dài ít nhất 15 ngày và tối đa là 20 ngày.

Các Hồng Y đang có mặt tại Rôma tận dụng khoảng thời gian này: dưới sự chỉ đạo của Hồng Y Trưởng, các "Đại hội đồng" hàng ngày đều diễn ra tại Vatican. Các Hồng Y ở mọi lứa tuổi đều có quyền phát biểu và bỏ phiếu tại các cuộc họp này. Đối với nhiều HY, đây là cơ hội đầu tiên để họ phát biểu trước những cử tri tương lai. Các vấn đề về tổ chức lễ an táng và họp Mật Nghị được quyết định trước tiên. Ngoài ra, tình hình của Giáo Hội và những yêu cầu đối với một Giáo Hoàng tương lai cũng được thảo luận.

Người kế nhiệm Đức GH Phanxicô có thể đến từ Châu Phi, Châu Á không?

Chúng ta nên biết, ĐGH Phanxicô là vị GH thứ 266 của Giáo Hội và là người đầu tiên đến từ Á Căn Đình thuộc về Châu Mỹ Latinh. Cũng như vậy chưa bao giờ có một Giáo Hoàng người Châu Phi, Châu Á - nhưng hiện nay một số nhận định đang được thảo luận vì thực tế con số giáo dân đang gia tăng rất mau chóng tại hai Châu lục này.

Thông thường, các ứng cử viên Hồng Y nổi bật được ưa chuộng luôn được các phương tiện truyền thông đưa tin, bàn tán trước ngày khai mạc Mật Nghị - nhưng kết quả bỏ phiếu thường khá khác biệt vào cuối cùng, lúc mọi người sẽ nhìn thấy khói trắng bay cao trên ống khói nhà nguyện Sixtine và cả thế giới sẽ được tòa Thánh Vatican long trọng báo tin: "Habemus Papam - Chúng ta có Giáo Hoàng".

Có một câu ngạn ngữ từ ngàn năm: "Ai bước vào mật nghị là Giáo Hoàng và khi bước ra vẫn là Hồng Y", vì thế vị tân Giáo Hoàng luôn là một kết quả khác hẳn sự đoán ý của con người và chúng ta thường nói đó là việc làm của Chúa Thánh Thần.

Thời gian tới mọi người Công Giáo chúng ta và toàn thế giới rất hồi hộp lắng nghe: "Habemus Papam".

Lm. Paul Phạm Văn Tuấn