1. Đức Tân Giáo Hoàng chuẩn bị đến Nicê, Thổ Nhĩ Kỳ
Trong cuộc trao đổi với giới báo chí, Đức Thánh Cha Lêô XIV cho thấy công cuộc chuẩn bị cho chuyến viếng thăm của ngài tại Nicê, Thổ Nhĩ Kỳ nhân dịp kỷ niệm 1.700 năm Công đồng Nicê, đang được tiến hành.
Mạng Orthodox Times, hay Chính thống thời báo, đã tóm lược những tin tức báo chí truyền đi hôm 12 tháng Năm vừa qua về vấn đề này. Trang thông tin của tổ chức “Pro Oriente” đã nói đến cuộc nói chuyện của Đức Thánh Cha Lêô với giới báo chí sau diễn văn chính thức tại buổi tiếp kiến sáng ngày 12 tháng Năm vừa qua, tại Đại thính đường Phaolô VI ở nội thành Vatican.
Dưới thời Đức Giáo Hoàng Phanxicô, một phái đoàn của Tòa Thánh cũng đã đến Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề này và chương trình nguyên thủy dự kiến ngài chỉ ghé lại Tòa Thượng phụ Chính thống Constantinople ở Istanbul và cùng với Đức Thượng phụ Bartolomaios đến thành Iznik, xưa kia là Nicê, cách đó Istanbul hai giờ đi xe, về hướng nam. Tuy Tòa Thánh không tuyên bố gì, hồi đó báo chí cho biết cuộc viếng thăm có thể diễn ra vào cuối tháng Năm này.
Như thế, Đức Thánh Cha Lêô tiếp nối dự án của vị tiền nhiệm, và mới đây Đức Thượng phụ Bartolomaios, trong một diễn văn chính thức, đã gợi ý cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng có thể diễn ra vào ngày 30 tháng Mười Một, lễ thánh Anrê Tông đồ, bổn mạng của Giáo hội Chính thống Constantinople.
Dầu sao Đức Thượng phụ cũng đến Rôma vào Chúa nhật ngày 18 tháng Năm này để dự lễ khai mạc sứ vụ của Đức Thánh Cha Lêô XIV và có thể thảo luận thêm các chi tiết.
2. Mối liên hệ của Đức Giáo Hoàng Lêô XIV với Nhà nguyện Pauline
Linh mục Raymond J. de Souza, là chủ bút tập san Công Giáo Convivium của Canada. Ngài vừa có bài viết nhan đề “Pope Leo XIV’s Connection to the Pauline Chapel”, nghĩa là “Mối liên hệ của Đức Giáo Hoàng Lêô XIV với Nhà nguyện Pauline” đăng trên tờ National Catholic Register ngày Thứ Tư, 14 Tháng Năm, 2025.
Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.
Bức chân dung chính thức của Đức Giáo Hoàng Lêô XIV, sẽ sớm được trang trí tại hàng trăm ngàn nhà thờ Công Giáo, tòa thị chính, văn phòng giáo xứ, nhà xứ, trường học, nhà nguyện và bệnh viện, có ý nghĩa gấp đôi.
Ngoài Đức Tân Giáo Hoàng ở phía trước, phía sau là Nhà nguyện Pauline trong điện Tông Tòa.
Có lẽ bức chân dung Đức Tân Giáo Hoàng sẽ thu hút nhiều sự chú ý hơn đến phần quan trọng này của di sản nghệ thuật và giáo hội. Nhà nguyện Pauline bao gồm những bức bích họa cuối cùng của Michelangelo, được vẽ khi ông là một ông già sau khi hoàn thành bức Phán quyết cuối cùng trong Nhà nguyện Sistina.
Có ba nhà nguyện của Đức Giáo Hoàng trong Điện Tông tòa. Nhà nguyện Sistina là nhà nguyện nổi tiếng nhất. Nhà nguyện Pauline chỉ cách Sistina vài bước chân qua hành lang Sala Regia. Nhà nguyện thứ ba là Nhà nguyện Redemptoris Mater hay Mẹ Đấng Cứu Thế, nơi không chỉ diễn ra cuộc tĩnh tâm Mùa Chay hàng năm cho Đức Thánh Cha và Giáo triều Rôma, mà còn là nơi diễn ra các buổi thuyết giảng tĩnh tâm Mùa Vọng và Mùa Chay của vị giảng thuyết của phủ giáo hoàng. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chuyển các sự kiện đó đến nơi khác ngay từ đầu, vì vậy Redemptoris Mater đã không còn được sử dụng nữa.
Nhà nguyện Sistina được đặt tên này từ Đức Giáo Hoàng Sixtô Đệ Tứ, người đã xây dựng nhà nguyện này dành riêng để kính Đức Mẹ. Nhà nguyện Pauline được đặt tên này từ Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Tam và dành để biệt kính hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô.
Nhà nguyện Pauline là nhà nguyện riêng của Đức Thánh Cha. Nhỏ hơn Nhà nguyện Sistina — và không đông khách hành hương và khách du lịch — đây là nơi chính thức để Đức Giáo Hoàng cầu nguyện và cử hành Thánh lễ.
Trên thực tế, vì có một nhà nguyện nhỏ trong phòng riêng ở tầng ba của Đức Thánh Cha, nên nhà nguyện Pauline không được các Đức Giáo Hoàng sử dụng thường xuyên. Thánh Phaolô Đệ Lục và Gioan Phaolô II, và Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16, đã cử hành Thánh lễ hàng ngày trong nhà nguyện riêng ở tầng trên; Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã sử dụng nhà nguyện trong nhà khách Santa Martha, nơi ngài sống. Tuy nhiên, Nhà nguyện Pauline vẫn giữ nguyên vị thế chính thức là nhà nguyện đặc quyền dành cho việc cầu nguyện và thờ phượng của Đức Thánh Cha.
Nhà nguyện Pauline đóng vai trò nổi bật trong Cơ Mật Viện gần đây. Các Hồng Y tụ họp ở đó trước khi tiến vào Nhà nguyện Sistina để tuyên thệ. Thánh lễ sáng hàng ngày của các Hồng Y cũng diễn ra ở đó — mặc dù chỉ diễn ra trong một ngày, vì cuộc bỏ phiếu Cơ Mật Viện kết thúc chưa đầy 24 giờ.
Vì Nhà nguyện Pauline là nhà nguyện riêng của Đức Giáo Hoàng, ngay sau khi rời khỏi Nhà nguyện Sistina, Đức Giáo Hoàng Lêô XIV đã được đưa đến đó để cầu nguyện riêng. Bức chân dung chính thức của ngài là bức ảnh chụp ngài ở ngưỡng cửa nhà nguyện khi ngài bước ra. Cần lưu ý rằng ngài đã đích thân chọn bức ảnh đó, vì thực tế là có hàng ngàn bức ảnh chụp Đức Tân Giáo Hoàng chỉ từ những ngày đầu tiên.
Trong tầm nhìn ban đầu của Đức Giáo Hoàng Giuliô Đệ Nhị về việc trang trí Nhà nguyện Sistina, trần nhà được thiết kế để thể hiện 12 vị Tông đồ — một chủ đề phù hợp cho một nhà nguyện của Đức Giáo Hoàng tại điện Tông Tòa. Michelangelo đã đi theo một hướng khác với trần nhà, thể hiện những chương đầu của Sáng thế ký, và mang chiều kích vũ trụ của kỳ công sáng tạo.
Khi Phán quyết cuối cùng được thêm vào nhiều năm sau đó, Nhà nguyện Sistina của Michelangelo trình bày sự sáng tạo và phán xét, sự khởi đầu và kết thúc. Hầu như không có chút tham khảo nào về các tông đồ. Có một hình ảnh của Thánh Phêrô, bức The Consignment of the Keys hay Trao Các Chìa Khóa, của Perugino trên một bức tường bên, được thể hiện rất nhiều trong các hình ảnh của Cơ Mật Viện.
Nhà nguyện Pauline là nhà nguyện biệt kính hai Thánh Phêrô và Phaolô, các hoàng tử của các tông đồ đã thánh hiến Rôma bằng các cuộc tử đạo của các ngài. Vào ngày đầu tiên trọn vẹn của triều Giáo Hoàng Lêô XIV, ngài đã cử hành Thánh lễ với các Hồng Y tại Nhà nguyện Sistina, nhưng đã chuẩn bị trong Nhà nguyện Pauline, nơi có bức bích họa Michelangelo lớn về cuộc cải đạo của Saolô trên đường đến Damascus. Đó là bài đọc trong sách phụng vụ được chỉ định cho ngày hôm đó (mặc dù các bài đọc khác nhau đã được sử dụng cho Thánh lễ của giáo hoàng với các Hồng Y). Có thể những khoảnh khắc đó đã gợi ý cho Đức Giáo Hoàng Lêô XIV rằng Nhà nguyện Pauline sẽ là lựa chọn phù hợp để làm hậu cảnh cho bức chân dung giáo hoàng của ngài.
Nhà nguyện Pauline nổi tiếng với hai bức bích họa của Michelangelo — sự cải đạo của Thánh Phaolô và cuộc tử đạo bằng đóng đinh của Thánh Phêrô — trên các bức tường bên. Chúng là những tác phẩm cuối cùng của Michelangelo, được hoàn thành khi đã già và sức khỏe kém, khi mối bận tâm chính của ông là thiết kế mái vòm khổng lồ của Đền Thờ Thánh Phêrô — một trong những kỳ quan kiến trúc và kỹ thuật vĩ đại của thời kỳ đó.
Năm 1994, Đức Gioan Phaolô II đã có bài giảng nổi tiếng khi hoàn thành việc phục hồi các bức bích họa của Nhà nguyện Sistina, mạnh dạn tuyên bố rằng “Nhà nguyện Sistina chính xác là thánh địa của thần học về cơ thể con người”.
Tương tự như vậy, sau khi Nhà nguyện Pauline được trùng tu vào năm 2009, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 đã có bài giảng tuyệt vời về tác phẩm của Michelangelo, lưu ý đến việc khắc họa khuôn mặt của hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ.
“Tại sao Thánh Phaolô lại được miêu tả với khuôn mặt già nua như vậy?” Đức Bênêđíctô hỏi. “Đó là khuôn mặt của một ông già, trong khi chúng ta biết và Michelangelo cũng biết rằng lời kêu gọi Saolô trên đường đến Damascus xảy ra khi ông khoảng 30 tuổi. … Khuôn mặt của Saolô-Phaolô, tức là khuôn mặt của chính nghệ sĩ, lúc đó đã già, gặp rắc rối và đang tìm kiếm ánh sáng của chân lý, tượng trưng cho con người đang cần một ánh sáng lớn hơn. … Do đó, trên khuôn mặt của Thánh Phaolô, chúng ta có thể nhận ra cốt lõi của thông điệp tâm linh của nhà nguyện này: sự kỳ diệu của ân sủng của Chúa Kitô, Đấng biến đổi và đổi mới nhân loại thông qua ánh sáng của chân lý và tình yêu của Người.”
Đoạn văn đó nói về Michelangelo không chỉ là nghệ sĩ vĩ đại của thời đại ông, mà còn là người có tâm linh sâu sắc theo Kinh thánh.
Đức Bênêđíctô nói tiếp rằng “Khuôn mặt của Thánh Phêrô cũng làm chúng ta ngạc nhiên. Ở đây, độ tuổi được thể hiện là đúng, nhưng chính biểu cảm mới khiến chúng ta kinh ngạc và đặt câu hỏi. Tại sao lại có biểu cảm này? Đó không phải là hình ảnh của sự đau khổ, và cơ thể của Thánh Phêrô truyền đạt một mức độ sức mạnh thể chất đáng ngạc nhiên. Khuôn mặt, đặc biệt là trán và mắt, dường như thể hiện trạng thái tinh thần của một người đàn ông đang đối mặt với cái chết và cái ác. Có một sự hoang mang, một cái nhìn sắc bén, chiếu rọi dường như đang tìm kiếm một điều gì đó hoặc một ai đó trong giờ phút cuối cùng. … Nếu một người đến nhà nguyện này để suy ngẫm, người đó không thể thoát khỏi sự cấp tiến của câu hỏi mà cây thánh giá đặt ra: Thập giá của Chúa Kitô, Đầu của Giáo hội, và thập giá của Thánh Phêrô, Đại diện của Người trên trái đất.”
Nhà nguyện Pauline được xây dựng và trang trí chính xác để trở thành nơi các giáo hoàng có thể đến để suy niệm, lời cầu nguyện của các ngài được định hình bởi trí tưởng tượng tâm linh của Michelangelo. Và khi họa sĩ bích họa tuyệt vời này đặt mình vào bối cảnh của Thánh Phêrô và Thánh Phaolô, thì Người kế vị Thánh Phêrô cũng được mời gọi nhìn thấy mình trong cùng một sứ mệnh được trao cho thành phố Rôma, sứ mệnh của hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ, những vị bảo trợ của thành phố mà Đức Giáo Hoàng là giám mục.
Truyền thống đưa Đức Tân Giáo Hoàng đến Nhà nguyện Pauline để cầu nguyện, thậm chí trước khi ngài ra mắt thành phố và thế giới từ ban công của Đền thờ Thánh Phêrô, cho thấy Nhà nguyện Pauline thuộc về công trình của giáo hoàng theo cách sâu sắc hơn so với Nhà nguyện Sistina, nơi thuộc về cuộc bầu cử một cách chặt chẽ hơn.
Bức chân dung mới của Đức Thánh Cha nhắc nhở chúng ta về điều đó. Khi nó được treo ở nhiều nơi trong những ngày và tuần tới, nó sẽ nhắc nhở người Công Giáo nhớ đến “nhà nguyện khác” của giáo hoàng, nhà nguyện cá nhân của Đức Tân Giáo Hoàng và những vị tiền nhiệm của ngài.
Source:National Catholic Register
3. Đức Giáo Hoàng Lêô XIV sẽ sống trong dinh thự giáo hoàng truyền thống chưa được Đức Thánh Cha Phanxicô sử dụng
Đức Giáo Hoàng Lêô XIV dự kiến sẽ chuyển đến dinh thự chính thức của giáo hoàng, một khu vực ở tầng cao nhất của Điện Tông Tòa, thay đổi nơi ở mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã sử dụng trong 12 năm.
Dinh thự của Giáo hoàng, là một chuỗi các phòng bao quanh Sân Sixtô Đệ Ngũ của Vatican, là nơi ở truyền thống của các Đức Giáo Hoàng trong hơn một thế kỷ trước khi Đức Thánh Cha Phanxicô từ bỏ nơi ở đó để chuyển đến một dãy phòng trong nhà khách của Vatican, nhà trọ Santa Marta.
Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích quyết định của mình là “nhu cầu sống một cuộc sống gần gũi với những người khác” trong một cuộc phỏng vấn năm 2013. Đức Giáo Hoàng quá cố cho biết dinh thự của các giáo hoàng “cũ, được trang trí trang nhã và rộng rãi.” Ngài cũng nhấn mạnh rằng nó không sang trọng như báo chí đồn thổi.
Lựa chọn nơi ở của Đức Phanxicô thường được hiểu là dấu hiệu cho thấy ngài giản dị và từ chối sự xa hoa của giáo hoàng. Tuy nhiên, nhiều người nhận định rằng việc Đức Leo chuyển đến dinh thự giáo hoàng là một quyết định sáng suốt.
Trước hết, nhà khách Vatican rất đông đúc và bận rộn so với sự riêng tư trong dinh thự của giáo hoàng. Việc Đức Giáo Hoàng sống ở nhà khách Vatican sẽ gây thêm căng thẳng cho việc bảo vệ an ninh cho ngài.
Đức Thánh Cha Phanxicô sống trong một phòng ngủ ở tầng hai có phòng khách liền kề nhưng thường xuyên đến Điện Tông Tòa để họp và tiếp kiến. Vào cuối triều Giáo Hoàng của mình, ngài cũng tiếp khách tại nhiều phòng họp khác nhau của nhà khách.
Thứ hai, nếu Đức Giáo Hoàng sống ở nhà khách Vatican, tầng hai của nhà khách không thể cho thuê trong khi dinh thự giáo hoàng lại bỏ trống.
Theo những người đã từng đến đó, nhà khách Santa Marta đặt ra những thách thức an ninh đáng kể và khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô chọn nơi đây làm nơi ở chính thức sau cuộc bầu cử năm 2013, một phần ở tầng hai đã bị đóng cửa đối với khách vì lý do an ninh.
Tiến sĩ George Weigel cũng đề nghị rằng “vị Giáo Hoàng tiếp theo nên trở về căn nhà của Đức Giáo Hoàng tại điện Tông Tòa—và sau đó mời báo chí quốc tế đến thăm, để cho thế giới thấy rằng đó là một ngôi nhà của tầng lớp trung lưu Ý, chứ không phải là một Xanadu xa hoa.”
Các khu vực trong Điện Tông Tòa bao gồm một nhà nguyện, phòng ngủ và phòng tắm, phòng làm việc của giáo hoàng, văn phòng cho thư ký của giáo hoàng, phòng khách, phòng ăn, bếp và thư viện để họp. Kể từ triều Giáo Hoàng của Gioan Phaolô Đệ Nhị, kết thúc bằng bệnh tật, căn nhà cũng bao gồm một phòng y tế được trang bị sau đó được mở rộng để bao gồm cả thiết bị nha khoa. Ngoài ra còn có một khu vườn trên mái và các phòng cho nhân viên dọn phòng.
Điện Tông Tòa là một tòa nhà lớn nằm ngay phía đông bắc của Đền Thờ Thánh Phêrô, bên trong Thành phố Vatican. Một góc của tòa nhà nhìn ra Quảng trường Thánh Phêrô.
Bên cạnh căn nhà của giáo hoàng, Điện Tông Tòa — đôi khi còn được gọi là Cung điện Sixtô Đệ Ngũ theo tên của vị giáo hoàng, người đã xây dựng phần lớn nơi này — bao gồm các văn phòng của Vatican, thư viện Vatican và một số phòng hiện là một phần của Bảo tàng Vatican.
Một số cửa sổ của căn nhà giáo hoàng nhìn ra Quảng trường Thánh Phêrô, bao gồm cả cửa sổ mà các giáo hoàng gần đây, bao gồm cả Đức Thánh Cha Phanxicô, sẽ xuất hiện hàng tuần vào các ngày Chúa Nhật và các ngày lễ để cầu nguyện Kinh Truyền Tin hoặc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng và đưa ra một suy tư ngắn gọn. Vào ngày 11 tháng 5, Đức Giáo Hoàng Lêô đã hát Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng từ ban công chính của Đền Thờ Thánh Phêrô lần đầu tiên.
Theo thông lệ gần đây, dinh thự của Đức Giáo Hoàng có thể sẽ trải qua một số cải tạo và tùy chỉnh trước khi Đức Lêô chuyển đến. Kể từ khi được bầu, Đức Giáo Hoàng vẫn tiếp tục cư ngụ trong căn nhà Vatican mà ngài sử dụng khi làm tổng trưởng của Bộ Giám mục, nằm trong Palazzo Sant'Uffizio, tòa nhà cũng là nơi đặt văn phòng của Bộ Giáo lý Đức tin.
Source:Catholic News Agency
4. Đức Giáo Hoàng dành buổi chiều ở ngôi nhà tâm linh của mình
Hôm 14 tháng 5, Đức Giáo Hoàng Lêô XIV đã trở về tu viện Augustinô, nơi ngài đã sống trong nhiều năm -- từ năm 2001 đến năm 2013, trong khi phục vụ với tư cách là Bề trên Tổng quyền. Nơi này rất gần Vatican, và Đức Giáo Hoàng đã có thể dành một vài giờ với các anh em của mình.
Là một Hồng Y có chức vụ trong Giáo triều Rôma, vị giáo hoàng tương lai thường đến cử hành Thánh lễ và dùng bữa trưa tại trụ sở của Dòng Augustinô, giống như ngài đã làm vào thứ Ba. Ngài đến trước buổi trưa và rời đi vào khoảng 3 giờ chiều.
Phát biểu với Vatican News, Cha Alejandro Moral, Bề trên Tổng quyền, cho biết Đức Giáo Hoàng đã chủ trì thánh lễ tại nhà nguyện của nhà Dòng, sau đó họ cùng nhau dùng bữa trưa.
Ngài chia sẻ rằng Đức Giáo Hoàng Lêô XIV “thường xuyên dùng bữa ở đây và muốn cảm ơn cộng đồng vì điều đó”. Cha Moral mô tả đây là “một chuyến thăm rất ấm áp và không chính thức, một cử chỉ biết ơn” và nhấn mạnh rằng Đức Giáo Hoàng không phải là người xa lạ với ngôi nhà của nhà Dòng. “Ngài biết tất cả mọi người, và tất cả chúng tôi đều biết ngài — điều đó làm cho chuyến thăm trở nên đặc biệt có ý nghĩa”.
Chuyến viếng thăm đầu tiên của Đức Giáo Hoàng Lêô đến cộng đồng sau khi được bầu làm giáo hoàng không kết thúc ngay sau bữa trưa. Thay vào đó, Cha Moral cho biết nhiều người đã đến chào đón ngài — “những người lao động giúp chúng tôi ở đây, và nhân viên nhà bếp.” Bề trên Tổng quyền cho biết mọi người đều rất vui mừng với chuyến viếng thăm đặc biệt này.
Đức Giáo Hoàng rời cộng đồng của mình với những lời trích từ người sáng lập ra dòng tu: “Ngài bảo chúng ta phải luôn gần gũi nhau và sống hiệp thông, giống như Thánh Augustinô kêu gọi chúng ta làm.”
Lần thứ 2 đến thăm một địa điểm của Augustinô
Đức Giáo Hoàng Lêô XIV đã thực hiện chuyến công du đầu tiên ra khỏi Rôma vào chiều ngày 10 tháng 5 năm 2025. Ngài đã đến Genazzano, một thị trấn nhỏ chỉ có hơn 5.000 cư dân, nằm cách thủ đô Ý 30 km về phía đông nam để viếng thăm Đền Đức Mẹ Chỉ Bảo Lành.
Đền thờ này được thành lập vào thế kỷ 15 bởi một nữ tu dòng Augustinô, Chân phước Petruccia, và được cộng đồng dòng Augustinô chăm sóc.
Dòng Augustinô có ảnh hưởng lớn trong việc truyền bá lòng sùng kính Đức Mẹ Chỉ Bảo Lành trên toàn thế giới.
Source:Aleteia