Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông vừa có bài viết nhan đề “Hopes for a New Pontificate”, nghĩa là “Những hy vọng cho một triều Giáo hoàng mới”.
Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
George thân mến: Tạ ơn Chúa vì Đức Giáo Hoàng Lêô XIV, Papa León! Ngài đã đến thăm chúng tôi cách đây vài năm. Có một cảm giác hy vọng mới. Xin Chúa ban phước cho ngài và ban phước cho chúng tôi. Tôi hy vọng anh khỏe. Thân ái—*****.
Tôi không thể nêu tên người liên lạc của mình; làm như vậy sẽ khiến gia đình bạn tôi gặp nhiều nguy hiểm hơn từ chế độ Ortega–Murillo đáng ghét, chế độ đang tàn bạo đàn áp Giáo Hội Công Giáo ở đất nước Nicaragua đau khổ triền miên. Bạn tôi là người thực tế, biết rằng các giáo hoàng trong thế kỷ 21 thiếu quyền lực, như thế giới hiểu về quyền lực. Tuy nhiên, nhờ tấm gương của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị, người Công Giáo sùng đạo và yêu nước Nicaragua này cũng biết rằng các giáo hoàng có thể sử dụng sức mạnh đạo đức to lớn, hiệu triệu những người bị áp bức đến với sự không sợ hãi và hình thành các liên minh lương tâm mới để chống lại các chế độ chuyên chế.
Đó là điều mà bạn tôi và nhiều người khác hy vọng từ Đức Giáo Hoàng Lêô— tôi hình dung điều đó và một sự bảo vệ mạnh mẽ hơn đối với Giáo hội Nicaragua bị đàn áp và những người dân của đất nước này so với những gì đã diễn ra từ Vatican trong hơn chục năm qua. Một sự bảo vệ công khai, mạnh mẽ như vậy đối với những người bị đàn áp có thể không mang lại kết quả ngay lập tức, nhưng nó chiếu sáng ánh sáng của công chúng quốc tế vào những hành động tàn ác mà những kẻ bạo chúa muốn để trong bóng tối. Và sự soi sáng đó cung cấp một biện pháp bảo vệ cho những người quyết tâm đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo và các quyền cơ bản khác của con người. Từng là một nhà truyền giáo trong một số tình huống khó khăn, Đức Giáo Hoàng Lêô biết rõ điều đó.
Nicaragua tất nhiên không phải là nơi duy nhất mà Vatican nên tăng cường hoạt động trước sự đàn áp. Còn có Venezuela. Còn có Cuba. Còn có Nigeria. Và còn có Trung Quốc, nơi chế độ Tập Cận Bình đã đánh dấu cái chết của Đức Thánh Cha Phanxicô bằng sự vi phạm trắng trợn thỏa thuận mà Đức Cố Giáo Hoàng đã đưa ra vào năm 2018, bằng cách “bầu” và “bổ nhiệm” hai giám mục mới mà không có lệnh của giáo hoàng – vì thực tế là không có giáo hoàng nào để ban hành một lệnh như vậy. Có ít cuộc thảo luận về chính sách hiện tại của Vatican đối với Trung Quốc hơn tôi mong đợi trong các phiên họp Đại Hội Đồng của các Hồng Y trước Cơ Mật Viện. Nhưng vì bây giờ rõ ràng là chính sách này là một thất bại, nên tôi sẽ không ngạc nhiên nếu Đức Tân Giáo Hoàng ra lệnh đánh giá lại toàn bộ chính sách này. Chắc chắn là nên như vậy.
Bất chấp nhiều suy đoán ngớ ngẩn của giới truyền thông và internet về tác động của một vị giáo hoàng sinh ra tại Hoa Kỳ đối với bối cảnh chính trị thế giới, các ưu tiên trước mắt của Đức Giáo Hoàng Lêô XIV có thể sẽ là tôn giáo hơn là địa chính trị. Ngài phải nắm bắt, và nhanh chóng, điều chỉnh tình hình tài chính đang xói mòn của Vatican. Các khoản đóng góp cho Tòa thánh từ Hoa Kỳ đã giảm trong những năm gần đây, và điều đó sẽ không thay đổi đáng kể trừ khi có một cuộc tổng sửa chữa về tài chính của Vatican, bao gồm tính minh bạch trong lập ngân sách và kế toán, cải cách tài chính và nhân sự để giải quyết thâm hụt ngân sách mang tính cấu trúc, và một kế hoạch thực tế để giải quyết khoản nợ lương hưu chưa thanh toán lên tới hàng tỷ euro. Hoa Kỳ có thể và sẽ giúp đỡ, nhưng chỉ khi các nhà mạnh thường quân tin tưởng rằng tình trạng hỗn loạn hành chính và tham nhũng tài chính hiện tại đã được giải quyết và khắc phục.
Tuy nhiên, điều cấp thiết không kém là nhu cầu củng cố con thuyền Phêrô bằng cách khôi phục sự rõ ràng và ổn định trong việc giảng dạy và thực hành mục vụ.
Có rất nhiều cuộc thảo luận về “tính đồng nghị” trong các phiên họp Đại Hội Đồng trước Cơ Mật Viện của các Hồng Y, nhưng thuật ngữ mơ hồ đó vẫn chưa được định nghĩa chính xác hơn. Nếu “tính đồng nghị” có nghĩa là các giáo hội địa phương được lắng nghe ở Rôma nhiều hơn trong quá khứ, thì tốt lắm. Nhưng vào lễ kỷ niệm 1700 năm Công đồng Nicê đầu tiên, nơi đã giải quyết câu hỏi về thiên tính của Chúa Kitô và ban cho chúng ta Kinh Tin Kính mà chúng ta vẫn đọc, Đức Giáo Hoàng Lêô sẽ rất nhận thức rằng “tính đồng nghị” không thể có nghĩa là mọi thứ đều có thể bị thao túng trong một Giáo hội bị hiểu sai là một nhóm thảo luận đang diễn ra. Có những vấn đề đã được thiết định liên quan đến đức tin và thực hành trong Giáo Hội Công Giáo. Và những vấn đề đó đã—đang và sẽ được—đề cập đến bởi các thầy dậy có thẩm quyền của Giáo hội, là các giám mục.
Như Chesterton vĩ đại đã từng lưu ý, “Một tâm trí cởi mở, giống như một cái miệng mở, nên khép lại với một vài điều gì đó.” Đức Giáo Hoàng Lêô là một người có kinh nghiệm về quản lý, vì vậy ngài biết điều đó. Và hoàn toàn hợp lý khi hy vọng rằng ngài sẽ quản lý theo cách mà người Công Giáo được nhắc nhở về một sự thật cơ bản: Sự vững chắc, chứ không phải sự lỏng lẻo, là dấu hiệu của “đức tin đã được truyền cho các thánh” (Gđ 1:3).
Source:First Things