Đức Hồng Y người Ý Fernando Filoni cho biết danh hiệu giáo hoàng của Đức Giáo Hoàng Lêô XIV phản ánh ý định lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo bằng một “tầm nhìn rõ ràng” giữa một thế giới đầy biến động.

Vị giám mục người Ý, một trong những thành viên bỏ phiếu của Cơ Mật Viện bầu Đức Giáo Hoàng Lêô XIV vào chức giáo hoàng tuần này, nói với EWTN tại Rôma rằng các Hồng Y “rất ngạc nhiên về cái tên” do vị giáo hoàng mới chọn.

Nhưng “đó là một điều ngạc nhiên tuyệt vời,” Đức Hồng Y nói.

Đức Hồng Y Fernando Filoni, cựu tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc cho biết:

“Tôi hỏi ngài tại sao chọn tên hiệu này, ngài là một tu sĩ dòng Augustinô....Ngài nói với tôi, 'Vào thời điểm này, chúng ta cần một người có tầm nhìn rõ ràng về Giáo hội.'“

Đức Hồng Y Filoni đã nhắc đến Đức Giáo Hoàng Leo XIII, người đã lãnh đạo Giáo hội từ năm 1878 đến năm 1903, trong thời kỳ có nhiều biến động và thay đổi lớn trên toàn cầu.

Ngài cho biết: “Đó là thời điểm xã hội đang tự tổ chức lại, đặc biệt là các khía cạnh xã hội và công việc”.

Đức Lêô XIII đã nỗ lực nêu rõ lập trường xã hội của Giáo Hội Công Giáo trong bối cảnh những chuyển đổi đó, đặc biệt là trong thông điệp “Rerum novarum” hay “Tân Sự”, trong đó có một phần đề cập đến điều kiện làm việc tồi tệ và khẳng định quyền của người lao động.

Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã được ca ngợi trong nhiều thập niên là “Giáo hoàng Xã hội” vì những nỗ lực đó. Đức Hồng Y Filoni cũng chỉ ra rằng Đức Giáo Hoàng Lêô Cả — người phục vụ vào thế kỷ thứ 5 — được nhớ đến với cái tên “Leone Magno” hay “Lêô Cả”, và trong số những thành tựu của mình, ngài đã làm sáng tỏ các giáo lý liên quan đến bản chất con người và thần thánh của Chúa Kitô.

“Tôi nghĩ Đức Lêô XIV đã có rất nhiều khía cạnh này trong trái tim mình khi chọn danh hiệu này và chúng ta sẽ thấy điều đó.”

Đức Hồng Y cũng lưu ý thêm về bài phát biểu đầu tiên của tân Giáo hoàng với thế giới, mở đầu bằng câu: “Bình an cho tất cả anh chị em.”

Đức Hồng Y Filoni cho biết tầm quan trọng của phước lành này không thể bị bỏ qua, đặc biệt là trong bối cảnh bất ổn đang diễn ra ở Thánh Địa.

“Tôi chắc chắn rằng nó sẽ là một phần thiết yếu trong triều Giáo Hoàng của ngài, nhưng không phải theo nghĩa khía cạnh xã hội học hay chính trị”, ông nói.

“Nếu không có hòa bình của Chúa, con người sẽ không bao giờ tạo ra hòa bình,” ngài nói. “Họ sẽ lập một thỏa thuận và sau một thời gian, nó sẽ bị bỏ rơi hoàn toàn. Vì vậy, ngài đặt Chúa Giêsu, Chúa Phục sinh, vào trung tâm của hòa bình.”


Source:Catholic News Agency