CHÚNG TA ĐÃ CÓ GIÁO HOÀNG
Habemus Papam! Chúng ta đã có Giáo Hoàng.

Lúc 18 giờ10 phút chiều, giờ Rôma - tức 23 giờ 10 phút, khi mà ngày đã về cuối và trời đã khuya khoắt, theo giờ Việt Nam, bất chợt một niềm vui khôn tả tràn về: Khói trắng từ ống khói trên nóc nhà nguyện Sistine bốc lên nghi ngút.

Đây là làn khói huyền thoại, làn khói nhiệm mầu thể hiện lòng thương xót của Thiên Chúa, nhưng cũng là làn khói của mong đợi, làn khói hy vọng của cả thế giới loài người, đánh dấu thời khắc lịch sử, thời khắc mãi ghi sâu trong lòng người: Giáo Hội trần thế đã có chủ chăn, thế giới lại có mục tử, Thiên Chúa có thêm một dụng cụ tuyệt vời để thể hiện tình yêu xót thương, tình yêu bao dung, tình yêu chiến thắng, tình yêu hy vọng.

Bên cạnh làn khói dày phung trào như muốn nổ tung chiếc ống khói, tiếng chuông của Đền thờ Thánh Phêrô ngân vang dồn dập, khẳng định chắc chắn, chúng ta đã có Giáo Hoàng, Hội Thánh Công Giáo hoàn vũ đã có Đấng nhân danh Chúa mà đến với mình và Tông tòa không còn trống vắng!

Mật Viện lại tiếp tục thành công. Không mất nhiều thời gian, chỉ sau bốn vòng bầu phiếu, chỉ với hai ngày đối với một công nghị cao cả, trọng đại và thiêng thánh, các Hồng Y đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc cho một trách vụ nặng nề: Đi tìm và mang về cho đoàn dân của Thiên Chúa nơi trần thế người Cha vỹ đại, người chủ của ngai tòa tiếp nối hành trình Tông truyền của thánh Phêrô, người sẽ làm cho triều đại và nền tảng vững chắc của thánh Phêrô tiếp tục trường tồn, tiếp tục vững mạnh; người sẽ thay mặt Chúa Kitô thể hiện tình yêu mục tử như chính Chúa Kitô mục tử.

Không gian Quảng trường thánh Phêrô mênh mông, nhưng đêm nay đầy ứ người. Tất cả cùng chung một hy vọng, chung một tình yêu, chung một hạnh phúc: Đó là đợi chờ tin vui từ cột khói huyền diệu.

Cái cột khói tưởng chừng chẳng là gì, lại đáng yêu quá đỗi, lại quan trọng quá đỗi, lại mang sứ mạng - không đơn thuần chuyển tải thông tin ở đây, lúc này - nhưng là sứ mạng truyền tin lịch sử.

Cái cột khói, bình thường chỉ là cột khói, nhưng đêm nay, đêm của ánh sáng đợi chờ và hy vọng, lại trở thành biểu tượng của tin mừng, biểu tượng của háo hức đợi trông, biểu tượng của sức sống ngàn năm mà Giáo Hội dù có thăng trầm đến đâu vẫn vững chãi, vẫn bền bỉ vượt qua, vẫn vươn tới.

Cái cột khói, tưởng chỉ là cột khói, lại trở thành trung tâm hướng về từ khắp mọi ngóc ngách của cả hành tinh, bất chấp là tư tưởng, là ý thức hệ, là giai tầng, là niềm tin, là đón nhận hay thù nghịch, là phe nhóm hay đảng phái, là đối kháng hay ưng thuận...

Ôi, cái cột khói. Một sáng kiến bé nhỏ, nhẹ nhàng, lại trở thành lớn lao không thể tưởng, trở thành sự diệu kỳ mang tầm vóc ngàn năm...
Nhưng đâu chỉ có những anh chị em trực tiếp ngắm nhìn cột khói từ Quảng trường thánh Phêrô mới cảm nhận những tình cảm lạ lùng, có phần lộn xộn, nhưng nao nức và hạnh phúc, một tình cảm khó diễn tả.

Còn biết bao nhiêu sinh linh khác trên mọi ngã đường thế giới cùng chung một chữ "đồng tâm" hướng về.

Tại Việt Nam, nơi xa xôi về không gian đối với Vatican, lại nên gần gũi trong trái tim, trong cùng một tình yêu Hội Thánh của Chúa Kitô, cùng một lòng tin nơi Thiên Chúa – để một đêm không ngủ, một đêm cùng cảm nhận thứ tình cảm lâng lâng chạy khấp châu thân.

Thứ tình cảm vừa sung sướng, vừa nao nức, vừa hồi hộp, vừa mạnh mẽ, vừa vỡ òa… cứ dồn dập đổ về trong tâm hồn như muốn bay cao lên, như muốn la to lên: HỘI THÁNH CHÚA KITÔ, MỘT LẦN NỮA LẠI CÓ TÂN GIÁO HOÀNG.

Trong khi tâm hồn còn đang dâng trào theo làn khói biếc, thì thật hay và đúng lúc, chỉ trong vòng 10 phút, ban Quân nhạc của Ý rầm rập kéo đến phía trước tiền đình Đền thờ Thánh Phêrô trỗi vang quốc thiều Vatican, bài ca muôn thuở: Hành khúc Giáo hoàng:
"Roma muôn năm, nơi bất tử của mọi ký ức. Một ngàn cành cọ và một ngàn bệ thờ hát bài ngợi ca. Ôi thành phố của những vị tông đồ, người mẹ và người dẫn lối lên thiên đàng. Ánh sáng của nhân loại và niềm hy vọng của thế giới. Ôi Roma! Ánh sáng của Người sẽ không bao giờ phai nhạt. Nét lộng lẫy trong vẻ đẹp của Người xua tan đi sự ô nhục và lòng oán hận. Ôi thành phố của những vị tông đồ, người mẹ và người dẫn lối lên thiên đàng. Ánh sáng của nhân loại và niềm hi vọng của thế giới".

Cả tình cảm cùng nhịp với lời bài ca khấp khởi, trang trọng, hào hùng cứ dâng trào, dâng trào y như có gì thiêng liêng khôn tả thúc bách cuồn cuộn chảy, cuồn cuộn trôi, cuồn cuộn tuôn đổ... Cứ thế mà cuồn cuộn... cuồn cuộn...

Cảm xúc cứ đi từ thăng hoa này đến thăng hoa khác. Đúng 19 giờ 13 phút (hay 0 giờ 13 phút, giờ Việt Nam), cả thế giới đi từ hồi hộp rồi vỡ òa theo từng lời của Hồng Y Dominique Mamberti, Hồng Y trưởng đẳng phó tế, người đang xuất hiện trên ban công chính của Đền Thờ Thánh Phêrô để ngỏ với Rôma và toàn thế giới:
"Tôi báo cho anh chị em một tin vui lớn lao: Habemus Papam! Chúng ta vừa có một vị Giáo Hoàng: vị lãnh đạo đáng kính và đáng trọng, Đức Robert Francis Prevost, là Hồng Y của Giáo hội Rôma thánh thiện. Người đã chọn cho mình tông hiệu là Lêô XIV".

Sung sướng quá đỗi. Hạnh phúc đổ dồn. Hòa cùng rừng người trên Quảng trường kéo căng mọi loại cờ của quốc gia mình, cùng nhều giọt lệ tuôn, nhiều nụ cười mãn nguyện, kẻ ở xa cũng đang tận hưởng, đang thấy mình như gần gũi với vạn vạn con tim đang có mặt trên Quảng trường.

Tôi đã quỳ xuống. Quỳ mà cầu nguyện. Quỳ mà dâng lên Thiên Chúa nỗi vui mừng không dễ gì có được. Xin mượn lời bài ca Ngợi Khen của Đức Nữ Trinh Maria mà chúc khen danh Chúa. Xin hợp cùng Đức Nữ Vương bàu chữa Hội Thánh mà dâng lên Chúa muôn điều kỳ diệu, muôn ân ban quá sức nhiệm mầu, muôn hạnh phúc ngập đầy mà chính Chúa đã tặng thưởng qua muôn muôn lớp lớp thời gian, dọc dài cả dòng lịch sử bất tận.