Ngày 27-04-2015
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:58 27/04/2015
DƯƠNG BỘ ĐÁNH CHÓ.
N2T

Dương Bộ mặc cái áo trắng ra khỏi nhà, khắp nơi đều mưa nên áo ngoài màu trắng bị ướt, thế là ông ta chỉ mặc cái áo màu đen khi trở về nhà. Con chó của ông ta cho rằng ông ta là người lạ nên sủa lên ăng ẳng, Dương Bộ nổi giận liền đánh chó.
Anh là Dương Chu đi ra, kéo tay em nói:
- “Đừng đánh, đừng đánh, em làm sao mà trách con chó được chứ ? Nếu để con chó toàn thân lông màu trắng đi ra khỏi nhà, lúc trở về biến thành con chó lông màu đen, e rằng em cũng nhìn không ra nó.”
( Liệt tử )

Suy tư:
Chỉ nhìn thấy cái áo khác màu mà cho rằng đó không phải là chủ của mình, thì quả thật, con chó cuả Dương Bộ quá tồi.
Nhìn dáng người bên ngoài để đánh giá con người bên trong thì thật là thiếu sót.
Bên ngoài chỉ là cái vỏ để che giấu cái bên trong, cái bên trong có thể đẹp và bên ngoài có thể xấu. Người khôn lấy cái xấu để che đậy cái đẹp, còn người ngu dại lấy cái đẹp che cái xấu; nhưng cũng có hạng người không khôn mà cũng không dại, họ là những người hiểu biết, biết lúc nào thì lấy cái tốt che cái xấu, lấy cái xấu che cái đẹp, do đó mà người ta không thể lấy cái bên ngoài để phán đoán cái bên trong của tâm hồn họ.
Phán đoán tâm hồn của anh chị em thì chỉ có Thiên Chúa mà thôi, Ngài không nhìn bên ngoài để kết án, nhưng Ngài nhìn bên trong tâm hồn của mỗi người. Tất cả chúng ta đều là tội nhân, mà đã là tội nhân thì không thể kết án ai cả, nhưng chỉ có thống hối và ăn năn.
Tôi đã nhiều lần phán đoán anh chị em theo cách bên ngoài của họ, bởi vì tôi vẫn tự cho mình cái quyền kết án khi tôi không sai lỗi với họ, tự nhận mình không mắc sai lầm là tự mình kết án anh em rồi vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

-------------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:01 27/04/2015
N2T

16. Nếu tâm hồn chúng ta dùng lý giải và lòng yêu mến để bổ túc cho một sự việc đời đời nào đó, thì chúng ta sẽ không sống ở thế gian này.

(Thánh Augustinus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Trích dịch từ tiếng Hoa trong “Cách ngôn thần học tu đức”

-----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Họp hằng năm của Liên Dòng Nữ Việt Nam tại Hoa Kỳ
VP LDCGVNHK
10:58 27/04/2015
LOUISVILLE - Chiều thứ Ba, ngày 7 tháng 4,2015 đếv chiều thứ Bảy, ngày 11 tháng 4, 2015 tại Ursuline Sisters of Louisville, Thành Phố Louisville, Tiểu Bang Kentuckey. Tham dự họp hằng năm, có 20 nữ tu đại diện cho 14 dòng: Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, Đa Minh - Houston, Đa Minh - Tam Hiệp, La San, Mân Côi, Mến Thánh Giá - Đà Lạt, Mến Thánh Giá - Gò Vấp, Mến Thánh Giá - Los Angeles, Mến Thánh Giá - Quy Nhơn, Mến Thánh Giá - Phát Diệm, Mến Thánh Giá - Thủ Thiêm, Nữ Tỳ Thánh Tâm Chúa Giêsu, và Trinh Vương.

Hình ảnh

Linh mục Anthony Ngô Đình Chính, Cha Sở Nhà Thờ Thánh Gioan Vianey, và cũng là Phó Chủ Tịch Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, đã đón tiếp các sơ, lo chỗ ăn, chỗ uống rất chu đáo, và rất đầy đủ.

Chiều Thứ Ba, 7/4/2015: Cha Anthony Đỗ Đình Chính dâng thánh lễ cầu nguyện cho các soeurs trong những ngày học hội. Qúy sơ gặp gỡ nhau và thông qua chương trình, các sinh hoạt trong những ngày họp.

Thứ Tư, 8/4/2015 (main speaker: Frere An Phong, Lasan): Qua bài phúc âm của ngày Chúa Nhật, thứ Hai và thứ Ba trong tuần bát nhật Phục Sinh, Frere Phong chia sẽ Lời Chúa. Frere Phong nhắc lại lời của Đức Thánh Cha Phanxicô: Các nữ tu được ủy thác trách nhiệm trở thành ngọn hải đăng trên hành trình của Giáo Hội. Để thực sự là những ngọn hải đăng sáng, Frere Phong mời gọi các soeurs suy nghĩ về những điểm sua đây:

1) Chúa Kitô và Tin Mừng là Trung Tâm

Kinh ngạc là ra khỏi vị trí mình đang ở, đang đứng để nhận ra sự kỳ diệu đang xảy ra (Mc 5: 42; Lc 8: 56; Cv 10: 45, 12: 16). Tất cả các chị em, tiếp tục làm cho người khác kinh ngạc về việc Chúa đã sống lại. Chúng ta có cảm nghiệm sự kỳ diệu nơi các chị em?
Chúa Giêsu vẫn sống qua nhiều cách khác nhau của "thể xác sống lại." Cũng vậy, số các nữ tu mỗi ngày mỗi ít đi, nhưng nhà dòng "vẫn sống." Linh đạo của hội dòng sống qua những hình thức mới.
Khi chúng ta tin mừng hóa cho nhau (chia sẻ tin mừng với chị em và đón nhận tin mừng chị em), thì Chúa ở giữa chúng ta và ban bình an cho chúng ta (Lc 24: 36).

2) Quyền Bính như là Một Việc Phục Vụ của Yêu Thương

Mặc lấy tâm tình của Chúa Giêsu khi phục vụ: hoàn toàn từ bỏ, mặc lấy thân nô lệ... (Phil 2: 5-11).
Quyền bính đến từ Thiên Chúa: phục vụ, khiêm tốn, yêu thương... nhất là những người khốn khổ.
Lời Đức Giáo Hoàng Phanxicô: Đừng dùng anh chị em như bàn đạp - springboard, để đạt những tham vọng hay lợi ích riêng. Điều này làm tổn thương/hại Giáo Hội.
Nơi thánh giá Chúa Kitô, chúng ta tìm thấy ý nghĩa của quyền bính trong Giáo Hội.
Con người ngày nay thích nhìn hơn nghe. Vậy, họ có nhìn thấy Chúa Kitô khó nghèo, hiền lành và phục vụ nơi chúng ta? Hay họ nhìn thấy sự tranh giành quyền bính, tiền bạc... (Cv 3: 6-7)
Xuất hành - exodus, là từ bỏ chính mình, là phục vụ, là sống lời khuyên phúc âm - the three pillars. Từ bỏ chính mình để đón nhận Chúa Kitô và Tin Mừng là trung tâm; bỏ đi những chương trình, những kế hoạch cá nhân để sống hoàn toàn cho thánh ý Chúa (Gal 2:20).
Chúng ta được mời gọi tới sự khó nghèo trong tinh thần và vật chất. Điều mà chúng ta phải trao ban là Chúa Giêsu. Vì vậy, "Nếu chúng ta chưa cho họ Chúa Giê-su thì chúng ta cho quá ít!" (ĐTC Bê-nê-đi-tô XVI).
Với niềm vui, chúng ta trao ban Chúa Kitô vì "Chỉ khi chứng tá của chúng ta vui tươi, chúng ta mới lôi cuốn được người khác đến với Chúa Ki-tô." (ĐTC Phan-xi-cô, với tu sĩ Đại Hàn, 16.08.2014)

3) Suy Nghĩ trong và với Mẹ Hội Thánh

Frere Phong trình bày những tư tưởng trên dưới ánh sáng Lời Chúa, những chia sẻ của Đức Thánh Cha Phanxicô gởi cho các tu sĩ và thống kê mới nhất về nữ tu do nhóm CARA thực hiện.

Thứ Năm và Thứ Sáu, 8-9/4/2015

Trưa thứ Năm. Đức Tổng Giám Mục Joseph Krutz, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, dâng lễ và dùng cơm trưa với các nữ tu Việt Nam và the Urseline Sisters of Louisville, MO. Trong bài giảng, Đức Tổng Giám Mục mời gọi chúng ta gặp gỡ Chúa Kitô qua 1) Lời Chúa, 2) Bàn Tiệc, và 3) Những đau khổ của anh chị em.

Tối thứ Năm. Các soeurs tham dự thánh lễ và ăn cơm chiều tại Giáo xứ St. John Vianney. Sau bữa ăn, các soeurs góp vui qua các bài hát, bài múa rất "ăn khách," và các soeurs nói đôi lời về các ơn gọi trong Giáo Hội và giới thiệu các dòng tu.

Sáng thứ Sáu. Các soeurs đến Giáo xứ St. John Vianney để giúp phân chia đồ ăn cho những Anh Chị Em thiếu thốn.

Chia sẻ của các soeurs:

Danh Sách Các Dòng Nữ VN tại Hoa Kỳ
- Bổ túc danh sách các dòng nữ Việt Nam tại Hoa Kỳ

Phiên làm "Chị Trưởng" của Liên Dòng Nữ Việt Nam tại Hoa Kỳ
- 2016 - 2017: MTG - Los Angeles
- 2018 - 2019: Mân Côi
- 2020 - 2021: MTG - Quy Nhơn
- 2022 - 2023: La San
- 2024 - 2025: ĐaMinh

Đại Hội Gia Đình Thế Giới, 22-27/9/2015

Đức Ông Trí, Chủ Tịch Liên Đoàn Công Giáo VN tại Hoa Kỳ, cho biết có một tu viện - 17 phòng, ở Philadelphia, dành cho các dòng nữ VN tại Hoa Kỳ. Mỗi dòng có thể cho 2/3 soeurs ở tu viện. Liên Đoàn Công Giáo VN sẽ đưa đón và "đài thọ" các bữa ăn. Các dòng cho Sr. Maria Trinh Nguyễn biết số người tham dự. Những ai tham dự Đại Hội Gia Đình Thế Giới vẫn phải ghi danh trên mạng lưới, nhưng xin gạch vào chỗ "cần thông dịch viên."

Hiệp Hội Các Bề Trên ở Hoa Kỳ

Leadership Conference of Women Religious (LCWR) và Council of Major Superiors of Women Religious (CMSWR) đều có những điểm hay riêng, nhưng LCWR có khuynh hướng đề cập tới những vấn đề xã hội và CMSWR thường được coi là "truyền thống" hơn - more traditional. Các dòng nữ có thể vào cả hai hiệp hội các bề trên ở Hoa Kỳ.

Năm Đời Sống Thánh Hiến

Bên cạnh những sinh hoạt địa phương do giáo phận hay hiệp hội các bề trên tổ chức, những dòng nữ VN ở gần nhau cũng có thể tổ chức những sinh hoạt để nâng đỡ và bồi bổ ơn gọi trong Năm Đời Sống Thánh Hiến. Sr. Trung Hiếu trình bày "vài nét lịch sử" của Liên Dòng Nữ VN tại Hoa Kỳ. Các soeurs nhắc lại với nhau mục đích chính của Liên Dòng Nữ VN tại Hoa Kỳ: chia sẻ "buồn vui" và nâng đỡ nhau trong trách nhiệm và trong đời sống hiến dâng. Nên liên lạc trực tiếp với vicar for religious về việc mua bán, xây cất tu viện.

Từ năm sau trở đi, mọi người đóng tiền như nhau khi tham dự họp hằng năm của Liên Dòng Nữ VN tại Hoa Kỳ. Những chị em nào không có thể đóng góp được thì cho "Chị Trưởng" biết.

Affordable Care Act (ACA). Vì mỗi tiểu bang có những luật lệ riêng, nên chị em cần đến legal services của nơi mà mình đang sinh sống.
Suggested topic / Đề tài cho năm sau: communication with empathy

Tìm hiểu về sinh hoạt của các soeurs và các thầy du học ở Hoa Kỳ.

Thứ Bảy, 11/4/2015

Sau thánh lễ ở St. John Vianney, Cha Chính đưa các soeurs thăm viếng một số nơi ở Louisville, KY, và "cao điểm" của buổi thăm viếng là Abbey of Our Lady of Gethsemani. Nơi đây, các soeurs được Cha Tống Kiên Hùng làm hướng dẫn viên, và ngài đưa các soeurs thăm ngôi mộ của Cha Thomas Merton.

Cảm tạ Thiên Chúa, qua lời bầu cử của Mẹ Maria, qúy Sơ Bề Trên Liên Dòng Nữ Tu Hoa Kỳ đã có cuộc họp thường niên tại thành Phó Louisville rất tốt đẹp. Chân thành cám ơn Cha Anthony Ngô Đình Chính, qúy Cha trong Giáo Phận, và Nhà Dòng Ursuline Sisters of Louisville.
 
Khoá Thanh Nhạc tại Kulturhuset Kilden, Copenhagen Đan Mạch
Têrêsa Huỳnh Thị Thuý Hằng.
16:50 27/04/2015
Khoá Thanh Nhạc tại Kulturhuset Kilden, Copenhagen

Vào hồi 17 giờ, ngày 24. 4. 2015, Cộng đoàn Sjælland khai mạc khoá Thanh Nhạc tại Kulturhuset Kilden, Copenhagen, Đan Mạch. Cha Tuyên uý Giuse Chu Huy Châu đã ngỏ lời chào mừng Thầy Giuse Hoàng Viết Hùng, Ca trưởng từ Texas, Hoa Kỳ, sang huấn luyện.

Với thao thức làm sao cho các ca viên tại đây thấu hiểu được tầm quan trọng của Thanh Nhạc trong phụng vụ. Cha thật vui mừng, biết ơn Thầy Giuse Hoàng Viết Hùng đã không quản ngại đường xa, sẵn sàng bớt thì giờ đến hướng dẫn. Cha cầu chúc cho khoá học gặt hái được kết quả tốt đẹp, hầu vinh danh ca tụng Thiên Chúa.

Sau đó ông Trưởng Cộng Đoàn cũng nhân dịp giới thiệu với trên 40 học viên về thân thế, sự nghiệp của Thầy và gia đình với những đóng góp lớn lao cho nền Thánh Nhạc khắp nơi từ hải ngoại đến quốc nội.

Riêng Thanh Nhạc (voice lessons) là một bộ môn quan trọng trong lãnh vực ca hát, nhằm phát triển âm vực, giọng hát và sử dụng ngôn ngữ cho rõ, cho đúng và cho phù hợp với từng loại nhạc và từng miền. Trong lãnh vực hợp xướng, Thanh Nhạc lại càng cần thiết cho các ca trưởng, để huấn luyện cho ca đoàn hát được đều, gọn, vang, rõ và hay.

Không để mọi người chờ lâu, Thầy Hùng bắt đầu ngay chương trình học. Trước hết Thầy giải thích tầm quan trọng của Thanh Nhạc đối với ca đoàn khi hát thánh ca phụng vụ. Tiếp đến huấn luyện cho ca viên nguyên tắc lấy hơi, phát âm và khép âm.

Thầy đem áp dụng ngay vào bài hát để thực hành. Mọi người tuy còn khá bỡ ngỡ, lúng túng, nhưng cũng mau chóng tiếp thu, mặc dầu còn nhiều vấp váp. Hy vọng ngày mai sẽ học hỏi tốt hơn nữa.

Gần ba tiết học diễn ra thật nhanh, khi Thầy bảo kết thúc buổi học hôm nay, các học viên đều cảm thấy thời gian sao trôi qua mau quá!

Sau đó mọi người dùng bữa chiều với món bánh cuốn chả lụa thật ngon, do một chị trong CĐ đã tận tình phục vụ. Mọi người vui vẻ cùng nhau dọn dẹp và ra về. Hẹn nhau ngày mai đến sớm, để có nhiều thời gian học nhiều hơn nữa.

Hôm sau, 25.4.2015 như chương trình ấn định, anh chị em tập trung đầy đủ lúc 8g sáng tại phòng hội, cùng điểm tâm. Chị Trưởng ca đoàn đã chu đáo chuẩn bị cà phê, bánh mì tươm tất.

Đúng giờ, mọi người vào lớp, tiếp tục học những điều thật cần thiết trong phần thanh nhạc. Khởi sự bằng bài hát Kinh Cầu Chúa Thánh Thần. Xin Ngài soi sáng mở lòng trí tiếp thu những tinh hoa trong Thanh Nhạc.

Thầy bắt đầu hướng dẫn mọi người làm ấm người, luyện giọng, cùng thực tập kỹ thuật khép âm, đóng âm, âm sắc trong bài hát. Thật không dễ dàng thuần thục, nhưng tất cả cùng cố gắng rèn luyện. Bầu khí thật cởi mở, hớn hở, rộn ràng, vui tươi, vì được ngộ ra biết bao nhiêu điều thú vị về Thanh Nhạc. Thầy còn tận tình giảng dạy về dấu và giọng tiếng Việt, cách trình bày nhạc sắc chuẩn xác. Thế nào là tiết tấu và diễn tả tâm tình bài hát sao cho đúng ý nguyện của tác giả và tác động đến tâm hồn người nghe. Hy vọng một ngày các ca viên sẽ dần quen và áp dụng đúng kỹ thuật Thanh Nhạc, để tiếng hát được hay hơn, đúng hơn, hiệu quả hơn và tâm tình hơn, vì hát hay là hai lần cầu nguyện, như Thánh Tôma Tiến sĩ từng dạy.

Đặc biệt, Cha Tuyên úy đã dành nhiều giờ tham dự gần đủ khoá học. Kết thúc khoá Thanh Nhạc bằng Thánh lễ Tạ Ơn, ngài nhắn nhủ toàn thể học viên, cố gắng đem thực hành những điều đã học hỏi vào lời ca tiếng hát, cảm tạ, ngợi khen, tán dương Thiên Chúa. Trong tinh thần Lễ Chúa Chiên Lành, ngài cũng mời gọi mọi người noi gương Chúa Chiên Lành, yêu thương, phục vụ và hy sinh cho nhau, cho Giáo xứ, Cộng đoàn và Giáo Hội.

Đồng thời, Cha chân thành cám ơn Thầy Hùng đã bỏ nhiều công sức chỉ dạy, hướng dẫn, vất vả rèn luyện các học viên suốt khoá Thanh Nhạc.

Sau buổi lễ, nhiều anh chị em phát biểu, nói lên niềm tri ân. Cầu mong một ngày không xa, Thầy sẽ trở lại ca đoàn bé nhỏ này, để tất cả ca viên được thêm cơ hội học hỏi nhiều hơn nữa. Sau cùng là phần liên hoan mãn khóa, mọi người thật cảm động chung vui.

Thật là một hồng ân đáng ghi nhớ cho ca đoàn bé nhỏ tại Copenhagen này, được cơ hội quý báu học hỏi. Cảm tạ Thiên Chúa. Cảm ơn Cha Tuyên uý Giuse Chu Huy Châu. Cảm ơn Thầy Giuse Hoàng Viết Hùng. Cám ơn quý anh chị em đã niềm nở phục vụ ẩm thực. Cảm ơn tất cả quý học viên đã nhiệt thành tham gia học hỏi. Cảm ơn Ban Tổ chức. Mong khoá Thanh Nhạc trở thành dấu ấn không bao giờ phai, trong những lời ca tiếng hát phụng vụ Thiên Chúa và phục vụ tha nhân.

Têrêsa Huỳnh Thị Thuý Hằng
 
Văn Hóa
Tuởng nhớ một người bạn, Nhà Văn Tâm Thanh Ngô Thanh Tâm
Vũ Van An
01:10 27/04/2015
Do thiếu kế hoạch chuẩn bị, giáo phận Hải Phòng di cư không đủ ban giáo sư riêng để lo cho các lớp từ đệ tứ cho đến lớp đệ nhất, nên sau khi học hết lớp đệ ngũ ở Tiểu Chủng Viện Chân Phúc Liêm, tạm trú tại làng Bình Đức, Mỹ Tho, lớp tôi được Tiểu Chủng Viện Thánh Phanxicô của giáo phận Bùi Chu di cư nhận cho học nhờ vào năm 1956. Tôi trọ học ở chủng viện này cho hết năm đệ nhất, trở thành một thành viên của Lớp Thánh Gia từ đó.

Thực ra, Tiểu Chủng Viện Thánh Phanxicô cũng không đủ ban giáo sư riêng để lo cho “các chú”. Trước năm 1956, các chú được gửi qua học ở Trung Học Hồ Ngọc Cẩn, cũng di chuyển từ Bùi Chu vào Nam và tọa lạc tại cùng địa điểm Nhà Thờ Huyện Sĩ với Chủng Viện. Lúc tôi gia nhập tiểu chủng viện này, Trung Học Hồ Ngọc Cẩn được rời về Gia Định, cùng lúc với việc khai trương Trung Học Nguyễn Bá Tòng, với ngôi trường khang trang nhất nhì Sài Gòn, ngay bên cạnh Chủng Viện.

Lớp Thánh Gia chúng tôi được phân bổ học ở hai lớp đệ tứ: lớp đệ tứ B5 và lớp đệ tứ B6 của Trường này. Tôi học lớp B6. Cho tới nay, thiếu 1 đầy 60 năm, nên tôi không còn nhớ ai của lớp Thánh Gia học lớp nào trong hai lớp đệ tứ này. Tôi chỉ nhớ: khi thi trung học đệ nhất cấp, Nguyễn Trọng Ái (cựu linh mục), Nguyễn Dương An và tôi cùng ngồi thi ở một phòng, hình như ở trường tiểu học Nguyễn Tri Phương. Và do đó, khi thi xong, thấy “ba thằng” cùng “đậu”, nên hứng chí, tạt qua Vân Vân, chụp tấm hình chung. Người ta thường kỵ chụp hình ba người, chúng tôi không những không kỵ mà nhờ Nguyễn Dương An, tấm hình ấy còn đến bây giờ, cũng như ba người trong hình. Tôi từng được gặp lại Nguyễn Dương An cách nay 8 năm, nhân chuyến Về Nguồn năm 2007. Riêng Nguyễn Trọng Ái thì gần như bặt vô âm tín có khi gần 60 năm nay! Xin gửi lời chào thăm người thứ hai của Lớp Thánh Gia chụp hình riêng với tôi!

Ngô Thanh Tâm thì tôi hoàn toàn không nhớ anh học lớp đệ tứ nào. Nhưng dĩ nhiên, chúng tôi biết nhau nhờ sinh hoạt chung ở chủng viện, ngủ chung một phòng, chơi chung một sân, ăn chung một dẫy bàn, hình như ngồi chung một khu trên nhà nguyện phía trên nhà ăn. Hình ảnh Tâm với khuôn người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, miệng hình như lúc nào cũng tính mỉm cười, trong bộ đồng phục quần trắng áo sơ mi trắng, do phó gì quên tên may, in vào đầu óc tôi mãi mãi có lẽ từ lúc thấy Tâm trên bàn rước lễ đi xuống. Hình ảnh thứ hai từ bàn rước lễ đi xuống in sâu vào đầu óc tôi từ hồi ấy là của Phan Khắc Từ, linh mục quốc doanh! Các bạn đừng hiểu lầm khi tôi mang hai hình ảnh này đặt gần nhau. Phan Khắc Từ hồi ấy chỉ là như thế. Đường đời sau này có thể phân rẽ, nhưng thiếu thời của chúng tôi là như vậy. Và tôi tôn kính dĩ vãng này. Nó là một phần của đời tôi.

Tôi lưu ý tới Tâm hồi ấy có lẽ vì cùng tham gia một chương trình phát thanh của chủng viện. Tôi không nhớ tôi và Tâm viết và nói về đề tài gì, chắc chắn quanh quẩn chỉ là về lòng sùng kính nào đó. Nhưng bài viết và giọng đọc của Tâm được nhiều người khen ngợi hơn bài viết và giọng đọc của tôi. Cái chiều hướng này kéo dài suốt đời sau đó, cho tới lúc Tâm nghỉ yên trong Chúa.

Vì thế, tôi ngạc nhiên, khi lên trung học đệ nhị cấp (lớp đệ tam), tôi thấy Tâm chọn Ban A (nôm na gọi là Vạn Vật), chứ không chọn Ban C (nôm na gọi là Văn Chương). Sau này, dĩ nhiên, tôi mới thấy điều ngạc nhiên trên quả không có căn bản gì cả. Nguyễn Tường Tam đậu cử nhân Lý, Hoá ở Pháp, dù có khiếu văn chương từ nhỏ, vẫn đã trở thành cột tụ của Tự Lực Văn Đoàn và là một văn sĩ nổi tiếng của Việt Nam trong các thập niên 1940, 1950 và 1960.

Có điều khác với Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, lên đại học, Tâm đã học triết ở Đại Học Sư Phạm Đà Lạt và dạy triết một thời gian ở Trường Ngô Quyền, Biên Hòa. Theo nhận xét của một cựu sinh viên Cao Học Hành Chánh khóa II ở Úc, thì nhờ vốn triết lý này, văn phong của Tâm sâu sắc hơn nhiều bên cạnh cái tinh tế và dí dỏm cố hữu.

Một ngạc nhiên khác đã diễn ra năm 1967, khi Tâm bỏ dạy ở Ngô Quyền để thi vào Ban Cao Học Hành Chánh, Khóa III. Động lực nào thì không rõ. Tôi không được hân hạnh biết động thái này của Tâm cho tới khi, một năm sau, chính tôi cũng thi vào Ban này, khóa IV, năm 1968, sau biến cố Tết Mậu Thân. Lối học ở ban cao học không đòi phải đến lớp nhiều như ở ban cử nhân, hơn nữa, lối học ở hành chánh nặng về thực tập, tản mác khắp các bộ sở của chính phủ, nên ít khi chúng tôi gặp nhau. Mặt khác, những giờ đến lớp bắt buộc cũng bị tôi thường xuyên “ cúp cua” để đi dạy thêm tại hai tư thục Thánh Tôma và Nhân Vị vì “lo cơm áo” cho ba miệng ăn lúc đó, đến nỗi điểm chuyên cần của tôi chỉ là 95 (dưới điểm 100 đương nhiên ai cũng có, nếu không phạm lỗi; tôi vắng mặt vào đúng giờ dạy của giáo sư viện trưởng Nguyễn Văn Bông, bị ông ký văn thư phạt 4 điểm rưỡi chuyên cần, trong khi trốn giờ của các giáo sư khác chỉ bị trừ nửa điểm), nên cơ hội gặp Tâm ở trường Hành Chánh càng hiếm hoi hơn.

Nhưng khi Tâm và tôi đã tốt nghiệp rồi, cơ hội gặp nhau buộc phải khá hơn, vì Tâm được nhận nhiệm sở ở Tổng Nha Công Vụ, tôi thì chọn Văn Phòng Tổng Thư Ký Phủ Thủ Tướng, cả hai cơ quan đều trực thuộc Phủ Thủ Tướng với ông thầy chấm luận văn tốt nghiệp của tôi là Nguyễn Văn Vàng làm bộ trưởng. Tới lúc Ông Nguyễn Văn Thiệu làm “cách mạng hành chánh” đưa Đại Tá Quách Huỳnh Hà, trước đấy vốn là chánh văn phòng của ông, làm Tổng Ủy Trưởng Công Vụ, ngang hàng tổng trưởng, thì Tâm được điều động về Viện Tu Nghiệp Hành Chánh Quốc Gia, với cựu giám đốc Vũ Trọng Cảnh của tôi làm Viện Trưởng. Viện này trực thuộc Tổng Ủy mới. Nha Quản Trị Công Sở của tôi cũng được tách khỏi Phủ Thủ Tướng để trực thuộc Tổng Ủy này. Nhờ thế, chúng tôi gặp nhau nhiều hơn. Tuy nhiên, chưa bao giờ tôi hỏi Tâm làm gì, chức vụ ra sao. Chỉ phỏng đoán Tâm phụ trách giảng dạy các công chức hành chánh của chính phủ tới Viện để tu nghiệp.

Có điều, trong khi tôi vẫn tàng tàng với chiếc Lambretta mua lại của người em họ từ trước khi vào Trường Hành Chánh, Tâm đã chạy chiếc La Dalat mới toanh. Tôi cho là mới toanh, bởi loại xe này của Hãng Citroen chỉ mới bắt đầu được sản xuất từ năm 1970, năm tôi ra trường Hành Chánh, và 1 năm sau năm ra trường của Tâm. Mộng của tôi là “đuổi” kịp Tâm trong lãnh vực này. Mộng này tôi gần đạt được vì cuối năm 1973 đầu năm 1974, tôi có đi tu nghiệp gần 5 tháng ở Hoa Kỳ về môn Phân Tích Quản Trị, nhờ dè sẻn và hai đầu lương một lúc (ngoài học bổng Hoa Kỳ, tôi vẫn tiếp tục lãnh lương công chức của chính phủ Việt Nam), tôi để dành được gần 4 ngàn dollars, đủ để toan tính việc đuổi kịp. Rất tiếc “mưu sự tại nhân thành sự tại thiên”, nhân số gia đình tôi từ 5 người tăng một lúc lên 7 (hai cháu sau cùng sinh đôi, không dám nói là ngoài ý muốn, sợ hai cháu, năm nay 41 tuổi, buồn) vào tháng 10 năm 1974. Và biến cố 30 tháng Tư, 1975 như đại nạn giáng xuống. Giấc mộng bỗng tan tành.

Nghĩ cho cùng, tôi không thể nào đuổi kịp được Tâm. Vì mình trót đa mang sớm hơn Tâm. Tôi bỏ Giáo Hoàng Học Viện năm 1966. Lúc Tâm đã tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm và đi dạy ít nhất được hai năm. Ra đời vừa đi dạy vừa đi học ở Văn Khoa, tôi lúc nào cũng rỗng túi. Đến khi lấy vợ năm 1968, phải đi vay đủ 150,000 đồng gửi ở ba chi nhánh khác nhau của Ngân Hàng Việt Nam Thương Tín. Nhân dịp này, xin gửi lời cám ơn hai hiền huynh Lê Quang Trình và Trương Kim Hương đã rất hảo tâm với bần đệ trong dịp này, dù hai hiền huynh lúc ấy mới thụ phong được 1, 2 năm là cùng. Lấy vợ xong, lo trả nợ cũng đủ toát mồ hôi. Làm ở Phủ Thủ Tướng mà chưa bao giờ tham dự được một buổi chào cờ sáng thứ hai nào, vì còn trốn đi dạy tại hai tư thục Thánh Tôma và Nhân Vị. Trả nợ cưới vợ vừa xong, đến nợ mua nhà. Nhà chỉ có 305,000 đồng, vay đủ 300,000 đồng, trong túi chỉ có 5,000 đồng đặt cọc.

Trong khi ấy Tâm cứ tà tà bỏ ống, vào Trường Hành Chánh, thêm hồng phúc cộng chỉ số, một kiểu nói của dân công chức Việt Nam Cộng Hòa, sống nhờ chỉ số, chỉ hai vợ chồng cùng công chức, có lương tiền đều đều hàng tháng. Đúng vậy, chính ở Trường Hành Chánh, Tâm đã “chơi trèo” gặp chị Khánh Hà ở khóa trên (Cao Học Hành Chánh Khóa II) và anh chị kết hôn cùng năm với vợ chồng tôi, tức năm 1968. Bà xã nhà tôi, thì, từ trường trung học chui vào “nhà tù” hôn nhân.

Ngoài việc trên và tài văn chương thi phú ra, Tâm còn bỏ xa tôi ở một điều nữa. Tâm vượt biên trước tôi và đi định cư ở Na Uy nghe đâu trước năm 1980. Lúc ấy, tôi còn đang lận đận trong “trại cải tạo” Tống Lê Chân dù có thằng em là liệt sĩ của Cộng Sản Miền Bắc trong trận Quảng Trị. Mãi đầu năm 1981, tôi mới may mắn qua định cư ở Úc, sau khi ở Singapore 3 tháng. Chính thời gian làm ở ban ngoại vụ của trại tỵ nạn Singapore, tôi được gặp một số cựu sinh viên Quốc Gia Hành Chánh, trong đó có Từ Công Phụng và anh Trần Huỳnh Châu. Phụng học Ban Đốc Sự hình như Khoá 14, cùng thời với Khóa IV Cao Học của tôi. Anh Châu thì bậc đàn anh, hình như Đốc Sự 6 hay 7 gì đó thời cụ Diệm làm Tổng Thống, một tổng thống rất thương dân hành chánh. Khi qua Mỹ định cư trước tôi, anh Châu có loan báo trên tờ nội san của Hội Cựu Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh về tôi. Tâm đọc được nên đã liên lạc với tôi, lúc tôi đang chia phòng với 3 cha con Nguyễn Đức Nhân ở Bankstown. Tâm ngỏ ý muốn qua Úc sinh sống. Tôi cố gắng tìm người bảo lãnh cho gia đình Tâm. May mắn tìm được người cùng họ Ngô với Tâm. Nhưng chuyện sau đó không thành, không hiểu vì nguyên nhân nào. Nguyễn Đức Nhân bảo là do người họ Ngô kia “lựu đạn”, không hiểu thực sự ra sao.

Nhưng giống như truyện tái ông thất mã, xui hoá may, và là đại may cho nền văn hóa Việt Nam hải ngoại. Nhờ ở lại đất mặt trời giữa đêm là Na Uy này, khả năng viết của Tâm trồi lên hẳn mặt bình thường, mà đi vào văn học sử, ít nhất của Việt Nam hải ngoại. Tôi vẫn tin, nghiệp văn của Tâm chỉ thực sự khởi sắc từ ngày nhất định từ bỏ giấc mơ Kangaroo để lấy đất xưa của Viking làm quê hương thứ hai, một quê hương Tâm thực sự hội nhập, đi vào tận linh hồn của nền văn hóa ở đấy qua các tác phẩm nòng cốt của nền văn chương Na Uy. Tôi thì vẫn nằm bên ngoài nền văn hóa và văn chương Úc, hời hợt nhìn nền văn hóa và văn chương này bằng con mắt của kẻ bàng quan, không phải vì khinh bỉ chúng, cho bằng thiếu khả năng nghiền ngẫm, nghiến ngấu.

Cái thua cuối cùng là cái thua đi vào cõi vĩnh hằng mà người Công Giáo chúng tôi vẫn coi là đích nhắm chính của kiếp nhân sinh, bởi chỉ ớ đó, mới có hạnh phúc đích thực. Tôi sinh năm 1938, Tâm sinh sau tôi một năm, năm 1939. Nhưng Tâm là người thắng cuộc “việt dã”, nói theo kiểu nói của Tông Đồ Phaolô, lọt vào Nước Trời trước tôi. Tôi mãi mãi là người lẽo đẽo đuổi theo Tâm.
 
Chuyện dài con tàu Titanic : Chuyện về Linh Mục Thomas Byles
Nguyễn Kim Ngân
15:39 27/04/2015
Chuyện Dài Titanic Vẫn Chưa Kết Thúc:

Ít người trong chúng ta không biết đến con tầu Titanic, mệnh danh là “con-tầu-không- thể- chìm- được,” đã thực sự vùi sâu dưới đáy Đại Tây Dương vào ngày 15 tháng Tư năm 1912, sau khi đụng phải tảng băng sơn ngầm, trở thành mồ chôn tập thể của hơn 1,500 hành khách. Từ đó, nhiều giai thoại hư thực đã được thêu dệt chung quanh con tầu mang nhiều nét huyền hoặc này, điển hình là cuốn phim đắt giá “The Titanic” được sản xuất vào năm 1997, dưới tài phù thủy của đạo diễn James Cameron, không chỉ đem lại số doanh thu bạc tỉ, mà còn đoạt được con số kỷ lục là 11 giải điện ảnh Oscar.

Hôm nay, đúng 103 năm sau, theo tin từ EWTN News, thì một câu chuyện thật khác vừa được khai mở cũng trên chuyến tầu định mệnh ấy: câu chuyện về Thomas Byles, một vị linh mục Công Giáo, chịu chức tại Rôma mười năm trước đó, tức năm 1902, và đang làm cha sở họ đạo Saint Helene trong vùng Essex của Anh Quốc từ năm 1905. Vị linh mục 42 tuổi này có mặt trên con tầu Titanic, khởi hành từ Southampton, dự định sẽ cập bến New York, nơi ngài sẽ chủ sự hôn lễ cho người em trai. Trong thời gian cứu hộ, khi con tầu đang chìm dần, linh mục Byles đã có ít nhất là hai cơ hội được bước xuống con thuyền cấp cứu. Nhưng cả hai lần ngài đều từ chối, chỉ bởi vì ngài muốn ở lại với đàn chiên đang cần đến mình: không phải chỉ để nâng đỡ, chia sẻ nỗi kinh hoàng trong giờ lâm tử, hay để an ủi, và cầu nguyện, mà nhất là để trao ban bí tích hòa giải cho các hối nhân như gói hành trang qúy giá trong cơn tuyệt vọng ngay trên ngưỡng cửa của thế giới bên kia. Đó là lời chứng của Agnes McCoy, một hành khách sống sót. Chứng từ của Agnes và của các hành khách khác được gom lại trong mạng lưới này: www.fatherbyles.com.

Bà Helen Mary Mocklare, một hành khách khác thuật lại rằng: “Khi con tầu bị va chạm mạnh, chúng tôi bị hất tung khỏi giường ngủ…Chúng tôi nhìn thấy cha Byles đang từ hành lang đi tới, hai tay giơ lên cao. Chúng tôi biết ngài vì ngài đã đến thăm chúng tôi nhiều lần trên chuyến tầu. Sáng hôm đó, ngài còn dâng Thánh Lễ cho chúng tôi tham dự nữa.”

“Hãy bình tĩnh, hỡi các con tốt lành của cha.” Nói thế rồi, ngài đi về phía phòng lái để ban ơn xá giải và chúc phúc lành…” Bà Mocklare nói thêm: “Có một vài người tỏ ra hốt hoảng, nhưng khi thấy ngài giơ tay lên thì tất cả lấy lại được bình tĩnh. Mọi người đều rất cảm phục trước sự tự chủ tuyệt đối của vị linh mục.”

Bà nhớ rất rõ là có một người thủy thủ đến “cảnh báo cho ngài biết về cơn nguy hiểm cận kề và yêu cầu ngài xuống thuyền cấp cứu.” Tuy người thủy thủ tỏ ra hết sức lo lắng cho ngài, nhưng cả hai lần ngài đều từ chối.

“Lẽ ra cha Byles đã có thể thoát thân, nhưng khi thấy có nhiều người phải ở lại, ngài không đành lòng ra đi, và làm ngơ trước lời khẩn khoản của người thủy thủ.” Bà Mocklare nói tiếp: “Là một trong những hành khách cuối cùng xuống được thuyền cấp cứu, và khi rời xa con tầu bị nạn, tôi vẫn có thể nghe rõ mồn một giọng nói của vị linh mục và những câu kinh đáp lại lời ngài.”

Hôm nay, đúng một thế kỷ sau tai nạn thảm khốc, cha Graham Smith—đương kim cha sở họ đạo Saint Helen, nơi cha Byles đã đảm nhiệm trước đây—đã đứng đơn xin mở án phong thánh cho cha Byles, người được coi như “một nhân vật phi thường đã hiến mạng sống vì người khác.” Cha Smith còn thêm rằng: “Chúng tôi đều hy vọng và cầu xin cho việc phong thánh cho cha Byles.”

Tưởng cũng nên nhớ rằng tiến trình phong thánh đòi buộc đương sự chứng tỏ có các nhân đức Kitô giáo tới một mức độ anh hùng. Sau đó, cần có một phép lạ được chuẩn nhận là do lời bầu cử của thánh nhân, trước khi được phong lên bậc “Chân Phước.” Để được tôn phong hiển thánh, cần có thêm một phép lạ nữa được chuẩn nhận là do lời bầu cử của vị Chân Phước.

Cha Smith nói thêm rằng: “Hy vọng có nhiều giáo dân trên khắp thế giới cầu xin với ngài khi họ thấy cần thiết. Nếu phép lạ xẩy đến thì việc phong chân phước hay hiển thánh sẽ đến sau thôi.”

Tuy hoàn cảnh có khác nhau đôi chút, gương hy sinh của cha Byles gợi nhớ gương anh hùng của Thánh Maximilianô Kolbe, nước Balan, người đã tự nguyện chết thay cho một người bị kết án bỏ cho chết đói trong trại giam Đức Quốc Xã, cũng trong thế kỷ trước (lễ nhớ vào ngày 14 tháng 8 hàng năm). Tất cả đều mô phỏng gương tự hiến của chủ chiên Giêsu, Đấng đã hy sinh mạng sống để cứu chuộc đàn chiên.

Nguyễn Kim Ngân

04/20/2015

(xem www.ewtnnews.com/catholic-news/World.php?id=11957)
 
Miss SAIGON: Phận Việt Nam
Nguyễn Trung Tây
17:03 27/04/2015
□ Nguyễn Trung Tây
Miss SAIGON: Phận Việt Nam


...Đau đớn thay phận đàn bà!
Nguyễn Du

...Hình như đúng thật là xương cốt mang nhiễm sắc thể DNA Việt Nam thì rẻ mạt, giá trị chỉ ngang ngửa với giá cám bèo trong ao với lục bình trôi sông. Chẳng trách tri thiên hạ có ai mà rỗi hơi ghé lên rừng đi tìm kiếm những mảnh xương trắng Việt để mà thành kính tưởng nhớ? Ai phí hơi lặn xuống biển đi tìm những nắm xương tàn Việt Nam để mà hối hận ăn năn? Ai biểu hồi đó sinh ra với nhiễm sắc thể DNA Việt Nam làm chi?




Không giống như những đại nhạc kịch Les Misérables và The Phantom of the Opera, trong khi đang thưởng thức đại nhạc kịch MISS SAIGON nổi tiếng của thế giới, có lẽ khán giả người Việt Nam, đặc biệt người Việt Nam của thời Cộng Hòa nói chung và người Sài Gòn trước năm 75 nói riêng, sẽ nhạy bén và cảm nghiệm được những tình tiết của nhạc kịch nhiều hơn so với những khán giả “ngoại quốc”, bởi vì những nhân vật và những hoạt cảnh diễn ra trên sân khấu nhắc nhở khán giả Việt Nam tới một thời của miền Nam, những ngày cuối cùng trước khi Sài Gòn sụp đổ, và thân phận của người Việt cũng như thân phận của phụ nữ Việt Nam trước và sau năm 75.

I. Miss Saigon
MISS SAIGON mở ra với không gian nóng hầm hập của thủ đô Sài Gòn vào những ngày cuối cùng của tháng 4 năm 75, và đóng lại tại thủ đô Bangkok với đèn xanh đèn đỏ chớp tắt trên cửa những thương hiệu của vương quốc Thái Lan vào năm 78. MISS SAIGON, nhạc của Claude-Michel Schönberg, lời của Richard Maltby, Jr. & Alain Boublil, do Cameron Mackintosh và Alain Boublil sản xuất, đã xuất hiện lần đầu tiên tại rạp Drury Lane Theatre, London vào ngày 20 tháng 9 năm 1989. Và từ đó cho đến nay, sau những chuyến lưu diễn tới nhiều quốc gia trên thế giới, MISS SAIGON tiếp tục và sẽ còn tiếp tục thu hút trái tim của hàng triệu triệu khán giả trên khắp thế giới.

MISS SAIGON, chuyển thể từ tuồng opera Madame Butterfly của Giacomo Puccini, xoay quanh cuộc đời của một thiếu nữ Việt Nam tên Kim, cha mẹ chết sớm bởi bom đạn khiến cô lưu lạc, lần bước tới thủ đô Sài Gòn tìm đường kiếm sống. Kim cuối cùng làm việc cho “Tú Bà” mang hai dòng máu Pháp Việt với biệt danh Engineer, chủ lầu xanh chuyên phục vụ cho lính Mỹ GI tại Sài Gòn. Tại quán bar của “Tú Bà” Engineer Kim gặp Chris, lính Thủy Quân Lục Chiến có nhiệm vụ canh gác tòa Đại Sứ Mỹ tại Sài Gòn. Kim và Chris yêu nhau. Kết quả của mối tình này là bé Tâm. Nhưng rất tiếc, Sài Gòn vào những ngày cuối tháng 4 năm 75 đầy những xáo trộn, khiến Chris trong hốt hoảng leo lên trực thăng tháo chạy, để rớt lại Kim với bào thai mới bắt đầu nhú mầm trong bụng.

Chris quay về lại Mỹ, lập gia đình với Ellen. Riêng Kim, sau những thăng trầm trôi nổi bởi cờ đỏ sao vàng, cuối cùng cũng mang bé Tâm vượt biển thoát sang được Thái Lan vào năm 78. Bé Tâm gặp lại được bố trên vùng đất mới, nhưng Kim lại kết liễu cuộc đời bằng một viên đạn (có lẽ đã) bắn thẳng vào đầu. MISS SAIGON kết thúc với cảnh Chris ôm Kim trong vòng tay khóc; trong khi đó, Ellen, vợ của Chris, hân hoan mở rộng vòng tay đón bé Tâm vào trong lòng.

MISS SAIGON dài hơn hai tiếng với Kim và Chris, hai diễn viên chính và bao nhiêu diễn viên phụ khác. Bên cạnh âm nhạc, âm thanh và ánh sáng của nhạc kịch MISS SAIGON phải nói là tuyệt hảo. Khi trực thăng Mỹ xuất hiện trên sân khấu, khán giả cảm nhận được bầu trời và đất dưới bàn chân rung chuyển, bởi những vòng quay của chiếc trực thăng trên bầu trời 30 tháng 4 đang hốt hoảng tìm kiếm bãi đậu ngay trên sân thượng tòa Đại Sứ Hoa Kỳ. Khi Kim nắm tay bé Tâm lần bước tới hướng mặt trời hừng đông đang chuyển mình rực rỡ nơi đường chân trời, khán giả có thể nhìn thấy được cả một bầu trời mới đang mở rộng chào đón Kim bên kia bờ đại dương.

II. Nhạy Bén và Cảm Nghiệm
MISS SAIGON dựng trên bối cảnh Việt Nam và Thái Lan, không gian là Sài Gòn và Bangkok, và thời gian là vào những ngày cuối cùng của 30 tháng 4 năm 75 cho tới năm 78. Cho nên, khán giả “ngoại quốc”, khi theo dõi MISS SAIGON có thể sẽ không nhạy bén với những tình tiết trong nhạc kịch nhiều cho bằng khán giả Việt Nam.

Khi hàng rào kẽm gai của tòa Đại Sứ Hoa Kỳ “bị” bao nhiêu người đội nón lá, đi chân đất, mặc áo bà ba bám đen kịt, khán giả Việt Nam biết ngay quốc tịch của những nhân vật đội nón lá, và hiểu rõ tại sao trên sân khấu bỗng dưng xuất hiện biết bao nhiêu hàng rào kẽm gai xoay tròn chận lối cản đường những người chân đất. Khi trực thăng nhấc mình bay bổng lên trời cao để rớt lại trên sân khấu đám đông mặc áo bà ba, giờ này trong tuyệt vọng, tay vẫy vẫy, miệng thét gào kêu gọi trực thăng quay lại, khán giả Việt Nam sẽ cảm nghiệm sâu hơn về thân phận làm người dân nhược tiểu vào những ngày 30 tháng 4 tại Sài Gòn. Khi cờ đỏ và sao vàng choáng ngập nghẹt thở sân khấu, rồi trại cải tạo với những thân hình còm cõi vật vờ đi tới đi lui bên cạnh những túp lều tranh lụp xụp, sau đó Kim và ông chủ cũ Engineer, tay đang bị trói, với những bộ quần áo rách rưới khoác trên người xuất hiện dưới ánh đèn tối đen ảm đạm, khán giả Việt Nam hiểu ngay lập tức đạo diễn của MISS SAIGON đang muốn nói điều gì, và chuyện chi đã xẩy đến cho thủ đô Sài Gòn, cho miền Nam, và cho Kim.

Tương tự như vậy, khi Kim dẫn bé Tâm chuẩn bị bước chân lên tàu vượt biên, khán giả từng là thuyền nhân Việt Nam cảm nghiệm sâu xa hơn mối thương tâm đồng thời niềm hy vọng đang dâng cao trong lòng của Kim, khi cô quyết định rời bỏ Sài Gòn, đi tìm một vùng trời khác cho tương lai của mình và của bé Tâm.

III. Miss Saigon: Phận Việt Nam
A. Phận Nghèo
Và đặc biệt nhất, bởi cũng là người Việt Nam, cho nên khi Kim nằm xuống giữa vũng máu nấc nghẹn những hơi thở cuối cùng, khán giả Việt Nam cũng sẽ bùi ngùi, cảm nghiệm được nhiều hơn về thân phận, nếu phải gọi là đớn đau, của người Việt Nam và phụ nữ Việt Nam trong vòng một trăm năm vừa qua. Chỉ bởi vì tương lai của bé Tâm, Kim quyết định hy sinh đời mình, chấm dứt cuộc sống của MISS SAIGON bằng cách cầm súng bắn vào đầu, như là,

(1). Một phương cách để giải gỡ cục diện ngang trái của mối tình tam giác tay ba: Kim, Christ, và Ellen.

(2). Kim hy vọng rằng người tình Chris sẽ yên ổn, thôi không cắn rứt với lương tâm, bởi Kim với bào thai trong bụng đã từng bị Chris bỏ rớt lại vào ngày 30 tháng 4.

(3). Bởi Kim đã chết, vợ chồng Chris và Ellen có thể thoải mái mở rộng vòng tay đón nhận và mang bé Tâm về Mỹ, bắt đầu một cuộc sống mới.

Cũng như tuồng cải lương nổi tiếng Nửa Đời Hương Phấn, MISS SAIGON cũng chỉ là một tuồng nhạc kịch với nhiều tình tiết éo le. Hương hay Kim cũng chỉ là những nhân vật của tuồng kịch của sân khấu. Sau khi màn nhung của tuồng cải lương Nửa Đời Hương Phấn hay đại nhạc kịch MISS SAIGON đóng lại, khán giả không ai sẽ tiếp tục kéo dài những giọt nước mắt khóc thương cho Hương và Kim ra tới tận ngoài cửa rạp hoặc vào trong đời sống thường nhật. Nhưng ai dám bảo ngoài đời lại không có những nhân vật thật với những cuộc sống éo le như Hương và Kim. Và điều quan trọng hơn nữa, ai dám bảo Nửa Đời Hương Phấn và MISS SAIGON lại không phản ảnh một phần hoặc là tổng thể của hoàn cảnh chính trị, bối cảnh xã hội, và tình hình thế giới vào thời điểm mà Hương và Kim sinh ra và lớn lên. Phân tích dài dòng như vậy để khán giả của MISS SAIGON nhận ra được một khía cạnh, hay là một phần sự thật về cuộc chiến Việt Nam, vô tình đã được phô bày trong đại nhạc kịch, đó là, cuối cùng, con tốt thí hay là nạn nhân trong cuộc chiến và sau cuộc chiến Việt Nam vẫn chưa bao giờ là anh chàng lính Mỹ có tên Chris, hoặc là “Tú Bà” người Việt có trộn lẫn dòng máu Tây tên gọi Engineer, hoặc là cô đầm Mỹ tóc vàng Ellen, nhưng vẫn là thiếu nữ Việt Nam tên Kim tóc đen, biệt danh MISS SAIGON.

Trước năm 75, bởi loạn lạc chiến tranh, bố mẹ của MISS SAIGON chết đi, khiến MISS SAIGON mồ côi, lạc loài một thân một mình tìm kế sinh nhai. Sau khi Chinh Phu Chris bỏ chạy về Mỹ, Hòn Vọng Phu MISS SAIGON bị bỏ rớt lại, tháng ngày chờ đợi trong tuyệt vọng giây phút Chinh Phu Chris quay về, giải cứu nàng khỏi cảnh đọa đày. Nhưng bởi bóng dáng Chinh Phu vẫn biền biệt nơi cuối đường chân trời, Hòn Vọng Phu MISS SAIGON cuối cùng liều chết vượt qua hàng rào công an biên phòng, hải tặc Thái Lan dầy đặc để vượt thoát qua được tới Bangkok, Thái Lan. Tại Bangkok, MISS SAIGON lại tiếp tục làm việc cho “Tú Bà” Engineer chờ đợi ngày gặp lại được Chris. Ngày đó rồi cũng tới như MISS SAIGON đã từng mơ ước, nhưng “đau đớn thay phận đàn bà”, bởi Chris đã lập gia đình với Ellen. Chung cuộc, MISS SAIGON kết liễu cuộc đời của mình, để chú lính Mỹ GI Chris có thể thôi nhìn về quá khứ, nhưng hăm hở bước vào tương lai với gia đình hạnh phúc, với vợ đẹp con khôn.

Nếu phải kết thúc MISS SAIGON với một cái chết, tại sao anh chàng lính Mỹ lại không phải là một nhân vật được chọn? Nếu muốn đóng lại một quá khứ nếu phải gọi là một cái quá khứ đầy những lầm lỡ, tại sao không để cho cô vợ người Mỹ tên là Ellen hy sinh?

Nhưng cuối cùng, vẫn không ai chọn Chris hoặc là Ellan làm hai nhân vật của mùa Thương Khó. Cho nên sân khấu MISS SAIGON đã được đóng lại với công thức:

Bố Chris cộng (+) với Mẹ Ellen cộng (+) với Con Tâm/(trên) vùng đất Mỹ (=) Hóa ra Hạnh Phúc

Bây giờ, Chris, người chồng một thủa của MISS SAIGON đang sống hạnh phúc với vợ hiền Ellen và Tâm ở một nơi nào đó trên vùng trời Bắc Mỹ. Giờ này có lẽ bé Tâm đã trở thành một ông bác sĩ ba mươi tuổi, đeo kiếng gọng Dolce & Gabbana, tóc óng mầu tơ của bố, vừa mới tốt nghiệp văn bằng bác sĩ chuyên ngành của đại học Stanford, CA.

Chỉ có MISS SAIGON của Việt Nam là thua nặng và thua đậm sau cuộc chiến, bởi vì lịch sử chưa bao giờ thuộc về kẻ cầm súng tự bắn vào đầu! Bây giờ mồ của MISS SAIGON cỏ đã xanh, xương thịt da vàng đã tan rửa hết, chỉ còn trơ trọi lại những mảnh xương tàn mang nhiễm sắc thể DNA nhãn hiệu Việt Nam.

Có phải vì phận nghèo, cho nên cuối cùng Kim bị đẩy ra sân khấu làm vật hy sinh, làm tốt thí cho một ván cờ quốc tế?

Tội nghiệp cho MISS SAIGON của thủa xưa!

Đau đớn thay cho thân phận MISS SAIGON của một thời

B. Nhiễm Sắc Thể DNA Việt Nam
Khi màn nhung sân khấu của MISS SAIGON ở ngoài đời và trong rạp vừa khép lại, khán giả người “ngoại quốc” có lẽ đã thở phào mừng vui nghĩ rằng thế là xong một cuộc chiến có cái tên gọi Vietnam War. Có thể thiên hạ đã từng chép miệng thầm nghĩ,

— Mặc dầu MISS SAIGON đóng lại với một mạng người con gái Việt Nam nằm chết trên vũng máu, nhưng cuộc sống mà! Phải có sự hy sinh chứ! Nếu không, làm sao nhân loại có thể đóng lại được cả một chương sách buồn thảm dài không biết là bao nhiêu tập!!!

Ủa? Lạ kỳ chưa? Tại sao lại không là người Hoa Kỳ, hay là người nào khác, nhưng lại là người Việt Nam đã được mang ra làm vật tế thần để nhân loại có thể đóng lại cả một chương sách buồn thảm? Bộ xương cốt Việt Nam, sinh mạng Việt Nam thì rẻ như bèo cám, như lục bình trôi sông, cho nên thiếu nữ Sài Gòn tên Kim bị mang ra làm con dê tế thần cho nền hòa bình của thế giới?

Hồi đó, nếu Kim đừng sinh ra tại miền Nam, mà tại Sydney hoặc là Washington, DC, hay là Paris, Đông Kinh, thì không biết số phận của cô Kim giờ sẽ ra sao? Dám bây giờ MISS SAIGON đang là vợ của Đương Kim Hoàng Tử Nahurito lắm ạ… Nếu đúng là như vậy, ai mà dám đụng đến ngay cả cái tà áo của đương kim Công Chúa Nhật hoàng. Có mà đứt đầu!

Theo tin tức của những đài truyền hình Úc, thi hài của Hạ Sĩ Richard Parker và Binh Nhì Peter Gillson, hai binh sĩ của Hoàng Gia Úc Đại Lợi mất tích tại chiến trường Việt Nam vào năm 1965, được mang về lại Úc vào ngày 6 tháng 6 năm 2007. Bởi Richard và Peter là hai người Úc, xương cốt của họ mang nhiễm sắc thể DNA Úc, những nắm xương tàn của họ được trân trọng, được quý mến, được nước Úc đứng nghiêm chào đón khi họ quay về lại nơi chôn nhau cắt rốn, mặc dầu Richard và Peter cũng chỉ là hai người binh sĩ (với vai lính tốt) của Hoàng Gia Úc, một quốc gia dân chủ lập hiến nằm trong danh sách những quốc gia đã thua trong cuộc chiến Việt Nam. Nhưng còn những xương cốt của người Việt Nam đã nằm xuống bởi cuộc chiến Việt Nam thì sao? Ai sẽ trân trọng, đứng nghiêm chào đón trước những nắm xương mang nhiễm sắc thể DNA Việt Nam đã bỏ mình bởi cuộc chiến Việt Nam? Nếu những bộ xương đang nằm tại nghĩa trang Quân Đội, vừa mới được giao trả cho chính quyền địa phương tại tỉnh Bình Dương mang nhiễm sắc thể DNA Úc Đại Lợi hoặc là Hoa Kỳ, ai dám đụng đến những bộ xương này?

Trông người mà lại ngậm ngùi đến là khó chịu khi nghĩ đến ta, bởi vì hình như đúng thật là xương cốt mang nhiễm sắc thể DNA Việt Nam thì rẻ mạt, giá trị chỉ ngang ngửa với giá cám bèo trong ao với lục bình trôi sông. Chẳng trách tri thiên hạ có ai mà rỗi hơi ghé lên rừng đi tìm kiếm những mảnh xương trắng Việt để mà thành kính tưởng nhớ? Ai phí hơi lặn xuống biển đi tìm những nắm xương tàn Việt Nam để mà hối hận ăn năn?

Ai biểu hồi đó sinh ra với nhiễm sắc thể DNA Việt Nam làm chi?

Chẳng trách chi thiên hạ bốn phương thí MISS SAIGON cô Kim như một con tốt thí cho một nền hòa bình.

C. Miss Saigon Thời Hậu Chiến
Chris và Ellen của nhạc kịch MISS SAIGON, hai nhân vật tượng trưng cho nước Mỹ và thế giới Tây Phương, hiện giờ vẫn đang sống vui tươi và sống hăm hở với cuộc sống sau cuộc chiến Việt Nam. Bởi cuộc chiến Việt Nam, dăm ba người làm những bài toán sai lầm bỗng dưng hóa thành huyền thoại! Cũng bởi cuộc chiến Việt Nam, vài trăm người tay trắng bỗng dưng trở nên giàu có, tiền đô la chất cao trong ngân hàng Thụy Sĩ! Chỉ có MISS SAIGON của thời hậu chiến là tiếp tục thua nặng. MISS SAIGON thời hậu chiến chưa bao giờ trở thành huyền thoại và cũng vẫn chưa bao giờ có một đồng đô la dính trong túi. Chẳng trách chi họ lại đang tiếp tục hăm hở bán mình cho Đài Loan. Nói một cách khác, MISS SAIGON của thời hậu chiến vẫn còn đang bị chủ nhân mặt tròn coi thường, lăng nhục ngay tại quê hương, rồi là hành hạ, chửi mắng, trên mảnh đất có tên là Đài Loan.

Bởi vì xương cốt của MISS SAIGON của thời hậu chiến có DNA nhiễm sắc thể Việt Nam; cho nên, MISS SAIGON của thời hậu chiến mang đậm trên khuôn mặt thân phận đầy tớ, con ở cho người lân bang!

Chẳng trách chi, MISS SAIGON của thời hậu chiến bị dân ngu khu đen Đài Loan bắt cởi bỏ hết y phục trên mình để họ xăm xoi dòm ngó, chọn lựa như những con gà mái tơ trước khi mang ra chợ rao bán![1]

Chẳng trách chi, MISS SAIGON của thời hậu chiến tại Gia Nghĩa, Đài Loan tiếp tục lao mình vào quán bia hơi, quán Karaokee như những con thiêu thân để kiếm cho được những tờ giấy tiền đô la tiền Đài, nhét dấu sâu vào trong ngực, gửi về cho cha mẹ đào một cái giếng, lợp lại mái ngói của căn nhà tranh vách đất![2]

Thật là đau đớn, đớn đau cho thân phận MISS SAIGON của trước năm 75 và cả sau năm 75.

D. Little Miss Saigon
Mà không phải chỉ có MISS SAIGON, nhưng ngay cả những LITTLE MISS SAIGON tuổi của lên 8 lên 10 ngây thơ nhảy dây bán hàng, giờ này lại đang tiếp tục bán thân tại những hang động ở Nam Vang để làm thú vui cho người ngoại quốc.

Nói đi thì cũng phải nói lại, làm sao mà cản ngăn cho được hiện tượng LITTLE MISS SAIGON bán thân trên đất Nam Vang, bởi vì chính cha mẹ của bao nhiêu LITTLE MISS SAIGON hân hoan xòe tay ra nhận tiền đô của Tú Bà, đồng ý bán những cô con gái tuổi lên 8 lên 10 của chính mình vào trong những hang động phục vụ thú vui cho ngoại nhân.[3]

Năm 1989, MISS SAIGON xuất hiện trên sân khấu thủ đô London của Anh. Đề nghị là hai mươi năm sau, năm 2009?, hay là vào năm 2010, đại nhạc kịch LITTLE MISS SAIGON cũng nên xuất hiện trên sân khấu của London, Anh Quốc, hay là Little Saigon, Quận Cam. LITTLE MISS SAIGON nên bắt đầu diễn ra tại thành phố Sài Gòn và kết thúc tại thủ đô Nam Vang, với phong cảnh và những lời nhạc tương tự như sau:

Trên sân khấu, dưới ánh đèn mờ tối ảm đạm, trong khi đang chờ đợi Tú Bà tới giao tiền và bắt con tại một quán rượu lụp xụp của thành phố Sài Gòn, phóng viên đài truyền hình ABC phỏng vấn cha mẹ của LITTLE MISS SAIGON qua bài hát “Tại Sao?”,

— Sao ông bà lại bán con gái tuổi lên 8 lên 10?

Cha mẹ của LITTLE MISS SAIGON, đi chân đất, đầu đội khăn rằn ri, miệng bập bập điếu thuốc rê, nhún vai, tỉnh bơ hòa bè bài hát “Thực Tế và Hy Vọng”,

— Nhà một đống miệng ăn. Mười mấy đứa con, bán đi con nhỏ đó, biết đâu gia cảnh lại đỡ hơn.

Nhạc kịch LITTLE MISS SAIGON chuyển cảnh, lần này là xứ Chùa Tháp với biển Hồ Nam Vang mênh mông sóng nước. Bên cạnh mái chùa vàng của thủ đô Nam Vang, phóng viên ABC hỏi người tóc nâu to lớn, hai cằm, mặt lấm chấm tàn nhang, bụng bự, trong bài hát “Mới Tám Tuổi”,

— Ông biết bé gái này mới tám tuổi?

Người tóc nâu điệu bộ khinh khỉnh, một tay tiếp tục gỡ bỏ y phục của LITTLE MISS SAIGON (tương tự như hành động của “Tú Bà” Engineer đối với Kim trong MISS SAIGON), một tay chỉ vào ngực của mình, miệng hát bài “Nhiễm Sắc Thể”,

— Nhìn cho kỹ đi, xương cốt này có nhiễm sắc thể DNA Tây Phương. Sau trận Điện Biên Phủ năm 54, tốt thí của chiến trường Đông Dương[4] vẫn là con bé này…

Phóng viên ABC quay sang một thương gia mặt Á Châu, chân mày rậm, mắt nhỏ híp lại, đuôi mắt kéo xếch lên, mặc áo vét trắng, quần tây trắng, tay cầm máy chụp hình Canon của Nhật, tay kia ôm LITTLE MISS SAIGON tuổi lên mười, miệng hát bài, “Mới Mười Tuổi”,

— Ông biết bé gái này mới lên mười?

Thương gia giơ cao tiền đô la, cất giọng hát bài, “Tiền”,

— Tiền là tiên là Phật! Là sức bật của tuổi trẻ! Là sức khỏe của tuổi già… Sau năm 45 đảo chánh Nhật, tốt thí của chủ thuyết Đại Đông Á[5] vẫn là con bé này…

Đau đớn thay cho thân phận LITTLE MISS SAIGON sau năm 75!

Cuộc chiến Việt Nam đã kết thúc trên giấy tờ vào tháng 1 năm 73 tại Paris, trên thực tế vào tháng 4 năm 75 khi xe tăng Bắc Việt húc sập cánh cửa Dinh Độc Lập. Nếu phải phân tích dưới lăng kiếng của Thắng và Thua, mọi người trên thế giới đều thắng, chỉ trừ có MISS SAIGON và LITTLE MISS SAIGON là thua nặng, và còn tiếp tục thua dài dài.

Biết thế hồi xưa mở miệng nói với Ông Trời,

— Thôi, đừng cho con làm MISS SAIGON, nhưng làm MISS SYDNEY. Hay là MISS WASHINGTON. Hoặc là MISS PARIS, MISS ĐÔNG KINH. MISS chi cũng được, nhưng xin đừng làm MISS SAIGON. Con năn nỉ Ông Trời đó!

□ Nguyễn Trung Tây
www.nguyentrungtay.webs.com
_________________________________

Chú Thích

[1] Nguyễn Trung Tây, Bên Ni Bên Nớ II: Hơn Một Năm Sau, Dân Chúa Úc Châu 148 (200): 8-13.

[2] Ibid.

[3] Tuyết Mai. “‘Bán Trinh’ Trẻ Em Việt Nam ở Cambodia,” Dân Chúa Úc Châu 148 (2007) 17-19

[4] Hay Indochina, tên mà chính quyền Pháp vào thời thực dân gọi ba quốc gia trong vùng Đông Nam Á: Lào, Cambốt, và Việt Nam.

[5] Học thuyết Đại Đông Á của Tojo nhằm đề cao tầm ảnh hưởng của chính quyền phát xít Nhật trên những quốc gia Châu Á vào thời kỳ đệ nhị thế chiến.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Khung Trời Tự Do
Dominic Đức Nguyễn
20:54 27/04/2015
KHUNG TRỜI TỰ DO
Ảnh của Dominic Đức Nguyễn
Bốn mươi năm sống xa nhà
Buồn nhiều vui ít kiếp tha phương sầu
Lặng nhìn vận nước bể dâu
Tháng Tư rưng rức hồn đau vô vàn
Quên sao được lá cờ vàng
Tung bay phất phới xóm làng quê xưa.
(Trích thơ của Song Phượng)